Tổng thống Joe Biden thông báo vào ngày 25-1 rằng Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần yêu cầu.
“Đây là việc giúp Ukraine phòng thủ và bảo vệ đất nước Ukraine. Nó không phải là một mối đe dọa tấn công đối với Nga. Nếu quân đội Nga trở về nơi của họ, cuộc chiến này sẽ kết thúc ngay hôm nay", Tổng thống Biden nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng.
Trên báo Asia Times, bà Monica Duffy Toft - giáo sư chính trị quốc tế và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts (Mỹ) - đưa ra nhận định: Mỹ chưa chính thức tuyên chiến với Nga, nhưng chiến trường ở Ukraine là trường hợp kinh điển của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, được tiến hành mà không có tuyên bố chính thức.
Đến gần kỷ niệm một năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine ngày 24-2-2023, điều quan trọng là phải đặt viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong bối cảnh - cả về mặt lịch sử và so với các cam kết viện trợ quân sự hiện tại khác của Mỹ trên toàn thế giới.
Làm như vậy có thể giúp trả lời một câu hỏi quan trọng: Liệu Mỹ có sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong một thời gian dài? Hay cam kết chi tiêu ở mức cao hiện tại của họ sẽ bị đảo ngược, bởi tác động của chính trị nội bộ phân cực của Mỹ?
Cũng theo Asia Times, có 4 điểm chính về sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine cần hiểu và cách Mỹ báo hiệu rằng họ sẽ sát cánh với Ukraine lâu dài.
Xe tăng là cú hích lớn cho Ukraine
Việc chuyển giao xe tăng phương Tây sẽ củng cố kho vũ khí của Ukraine. Cho đến nay, quân đội Ukraine vẫn dựa vào những chiếc T-72 thế hệ cũ từ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, xe tăng phương Tây đi kèm với những thách thức. Ví dụ, Abrams phụ thuộc vào nhiên liệu máy bay, việc bảo trì và huấn luyện tốn kém và phức tạp.
Nhưng việc triển khai các xe tăng này, cùng với xe tăng từ Đức và Anh, báo hiệu rằng phương Tây muốn cho Ukraine cơ hội chiến đấu để giành lại lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng.
Chưa kể các hệ thống vũ khí này đi kèm với cam kết huấn luyện binh lính Ukraine và dạy họ cách vận hành xe tăng và các máy móc khác.
Mỹ viện trợ 50 tỉ USD cho Ukraine
Tốc độ và số lượng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine nói lên một câu chuyện về cách Mỹ và các đồng minh của họ, nhìn nhận các lợi ích trong kết quả của cuộc chiến.
Tổng cộng, Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ khoảng 50 tỉ USD cho Ukraine vào năm 2022.
Khoảng một nửa số tiền đó - tương đương 24,9 tỉ USD - được dùng cho chi tiêu quân sự. So sánh, viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel - quốc gia lâu năm nhận viện trợ quân sự hàng đầu của Mỹ - vào năm 2020 là 3,8 tỉ USD .
Hầu hết người Mỹ vẫn muốn giúp Ukraine
Người Mỹ không phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp về một cuộc chiến Ukraine lan rộng trên bộ xuyên biên giới, như người dân ở châu Âu có thể phải đối mặt. Nhưng hầu hết người Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Vào tháng 12-2022, có 65% người Mỹ cho biết họ ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và 66% cho biết họ ủng hộ việc gửi tiền trực tiếp, theo thống kê của Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago, một tổ chức tư vấn chính sách phi đảng phái.
Đáng chú ý hơn nữa, cuộc thăm dò tương tự cho thấy cứ 3 người Mỹ thì có gần 1 người ủng hộ ý tưởng đưa quân đội Mỹ tham chiến.
Mỹ phát tín hiệu viện trợ dài hạn cho Ukraine
Tác động lâu dài của viện trợ quân sự của Mỹ và NATO đối với cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa chắc chắn.
Nhưng rõ ràng là sự hỗ trợ của tình báo Mỹ và vũ khí tiên tiến làm tổn hại nghiêm trọng đến cơ hội của Nga trên chiến trường.
Mặt khác, Ukraine đã thể hiện mức độ đoàn kết quốc gia, khả năng lãnh đạo và năng lực quân sự mạnh mẽ.
Phần lớn khoản viện trợ mà Mỹ đã hứa cho Ukraine sẽ được giải ngân trong một thời gian dài. Hầu hết số tiền mới mà Mỹ hứa với Ukraine sẽ được chi tiêu vào năm 2025, nhưng một số sẽ không đến cho đến năm 2030.
Khung thời gian dài hạn này cũng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ có kế hoạch giúp Ukraine xây dựng lại quân đội, ngay cả khi chiến tranh kết thúc trong thời gian ngắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận