Trong khi Mỹ và nhiều nước từ chối tham dự buổi lễ nhậm chức của ông Putin, Pháp và một số quốc gia EU khác dự kiến vẫn sẽ cử đặc phái viên đến bất chấp lời cầu xin của Kiev.
Phản ứng ngoại giao khác nhau trên đã tô đậm sự khác biệt về cách các nước này xử lý liên quan đến ông Putin hơn hai năm sau khi ông phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller giải thích: "Không, chúng tôi sẽ không có đại diện tại lễ nhậm chức của ông ấy... Chúng tôi chắc chắn không coi cuộc bầu cử đó là tự do và công bằng, nhưng ông ta là tổng thống Nga và ông ta sẽ tiếp tục giữ chức vụ đó".
Trong khi đó, ngày 6-5, Anh và Canada khẳng định sẽ không cử bất kỳ ai tham dự buổi lễ. Cả hai nước này đưa ra tuyên bố của mình một ngày sau khi Nga tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật với hy vọng sẽ hạ nhiệt những "cái đầu nóng" ở phương Tây.
Ông Putin đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3 vừa qua, chỉ vài tuần sau khi đối thủ nổi bật nhất của ông, ông Alexei Navalny, chết trong tù.
"Ukraine thấy không có cơ sở pháp lý nào để công nhận ông là tổng thống hợp pháp và được bầu cử dân chủ của Liên bang Nga", Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố.
Cũng theo phía Ukraine, buổi lễ tuyên thệ ngày 7-5 đang tạo ra "ảo tưởng về tính hợp pháp cho sự nắm quyền gần như suốt đời" của ông Putin.
Trong khi đó, Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời một quan chức cấp cao của Điện Kremlin cho biết người đứng đầu tất cả các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Matxcơva đã được mời tới dự lễ nhậm chức của ông Putin.
Người phát ngôn của EU cho biết đại sứ của khối tại Nga sẽ không tham dự buổi lễ, phù hợp với lập trường của hầu hết các nước thành viên khối.
Theo nguồn tin của Hãng tin Reuters, một nhà ngoại giao châu Âu cho biết 20 quốc gia thành viên EU sẽ tẩy chay sự kiện này, nhưng 7 quốc gia khác dự kiến sẽ cử đại diện đến tham dự lễ nhậm chức của ông Putin.
Hai nguồn tin ngoại giao cho biết Pháp, Hungary và Slovakia đều dự kiến sẽ đến.
Nhấn mạnh sự chia rẽ về cách đối phó với Nga, một nguồn tin ngoại giao ở Paris cho biết: "Pháp sẽ được đại diện bởi đại sứ của họ tại Nga".
Phát biểu cùng với chủ tịch Trung Quốc hôm 6-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Chúng tôi không có chiến tranh với Nga hay người dân Nga, và chúng tôi không mong muốn thay đổi chế độ ở Matxcơva".
Trong khi đó, các nước vùng Baltic, hiện không còn phái viên ở Matxcơva, đã loại trừ việc tham dự lễ nhậm chức.
"Việc tham gia vào lễ nhậm chức của ông Putin là không thể chấp nhận được đối với Lithuania. Ưu tiên của chúng tôi vẫn là hỗ trợ Ukraine và người dân nước này chiến đấu chống lại Nga", Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận