Trụ sở UNESCO đặt tại thủ đô Paris, Pháp. - Ảnh: Reuters
Thông cáo phát đi ngày 12-10 cho biết Mỹ sẽ vẫn giữ vai trò quan sát để đóng góp quan điểm, góc nhìn và ý kiến chuyên môn của mình cho UNESCO nhưng không phải với tư cách là một thành viên chính thức.
"Quyết định này không hề dễ dàng, và nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ đối với các khoản nợ ngày càng nhiều của UNESCO, sự cần thiết phải cải cách toàn diện tổ chức này, và quan điểm chống Israel vẫn còn tiếp diễn tại đây," Reuters dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, cùng ngày cũng đã bày tỏ sự "tiếc nuối sâu sắc" về quyết định của Mỹ.
"Sau khi nhận được thông báo chính thức từ ngài Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson, với tư cách là Tổng giám đốc UNESCO, tôi muốn bày tỏ niềm tiếc nuối sâu sắc đối với quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ," Reuters dẫn lời bà Bokova.
Bà Bokova cũng cho biết quyết định này đánh dấu một sự mất mát của chủ nghĩa đa phương hóa và của gia đình Liên Hiệp Quốc.
UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên Hiệp Quốc, hoạt động với mục đích "thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người," theo Công ước thành lập UNESCO.
Năm 2011, Mỹ đã hủy các đóng góp ngân sách hàng năm của mình cho UNESCO để phản đối quyết định kết nạp Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận