Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter (áo đen, giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành trong chuyến đi tới Triều Tiên năm 1994 - Ảnh: CARTER CENTER
Washington, một ngày tháng 6-1994, đêm cuối cùng trước khi ông Carter rời Mỹ. Cựu tổng thống trước đó đã chấp nhận lời mời của Triều Tiên sang thăm nước này với tư cách cá nhân.
Xung quanh ông Carter lúc này là hơn một chục quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Tất cả có nhiệm vụ cung cấp những thông tin mà họ cho rằng sẽ giúp ích cho chuyến đi của cựu tổng thống.
Từ bên miệng hố chiến tranh...
Có vẻ như có khá nhiều thông tin cần truyền tải nên phải mất tới vài tiếng đồng hồ mọi người mới thôi huyên thuyên.
Nhìn quanh một lượt, cựu tổng thống thở dài, đại ý trách móc: "Không ai trong quý vị nói những gì tôi cần phải biết.
Không ai nói được cho tôi nghe Kim Nhật Thành muốn gì. Cái ông ta muốn thấy ở tôi chỉ là sự tôn trọng và tôi sẽ cho ông ấy thấy điều đó".
24 giờ sau đó, cựu tổng thống cùng phu nhân có mặt tại biên giới liên Triều, xe của họ băng qua khu phi quân sự chia cắt hai miền, hướng thẳng về phía bắc.
Một thời khắc lịch sử được mở ra, ông Carter trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Chuyến đi của cựu tổng thống đã mở ra một hướng giải quyết mới cho cuộc khủng hoảng sắp sửa bùng nổ thành chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Carter nhận được lời mời của Bình Nhưỡng. Lời đề nghị đầu tiên được đưa ra vào năm 1991.
Đây là năm mà Mỹ chuyển vũ khí hạt nhân ra khỏi Hàn Quốc – một nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên cho phép các thanh sát viên quốc tế giám sát các nhà máy hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Thời điểm này Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa có bất kỳ kênh đối thoại chính thức nào.
Mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ và leo thang đến mức không ai ngờ tới trong năm 1993. Nỗi lo sợ Bình Nhưỡng đang âm thầm chế tạo vũ khí hạt nhân ngày một lớn ở Washington chỉ sau một mùa hè.
Đối mặt với việc bị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cáo buộc vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Triều Tiên cấm các thanh sát viên của IAEA kiểm tra các cơ sở hạt nhân của mình.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton dùng ống nhòm quan sát lãnh thổ Triều Tiên trong chuyến thăm tới khu phi quân sự liên Triều năm 1993 - Ảnh chụp màn hình
Tháng 4-1994, các cuộc thương thảo giữa Mỹ và Triều Tiên lâm vào bế tắc.
Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng cho chiến tranh, rục rịch chuyển các thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng ở Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon để chuẩn bị sản xuất 5 - 6 quả bom.
Một kế hoạch không kích Yongbyon được vạch ra ở Lầu Năm Góc, tiêm kích tàng hình F-117, nhóm tác chiến tàu sân bay và tên lửa hành trình Tomahawk được đặt lên bàn.
Tôi quyết ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân dù có đối diện nguy cơ chiến tranh
Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton nhớ lại trong hồi ký.
Giữa lúc một cuộc chiến sắp sửa bùng nổ vì thiếu liên lạc trực tiếp giữa hai bên, một lời mời sang thăm được Triều Tiên chuyển tới cựu tổng thống Carter và ông đã không bỏ lỡ cơ hội vàng một lần nữa.
Dù chính quyền Clinton khăng khăng khẳng định chuyến đi của cựu tổng thống Carter là với tư cách cá nhân, nhiều chỉ dấu cho thấy Washington đã đặt hi vọng và sự kiên nhẫn cuối cùng của họ trong lần này.
Nếu cuộc gặp thất bại, một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Rất may, hai ngày ở Bình Nhưỡng và gặp lãnh tụ Kim Nhật Thành của ông Carter đã cứu bán đảo Triều Tiên khỏi biển lửa.
Theo một số cựu quan chức Mỹ, kế hoạch chuẩn bị tấn công Triều Tiên đã được hoãn lại khi nhận được cuộc gọi của cựu tổng thống từ Bình Nhưỡng rằng đã tạo được đột phá với Triều Tiên.
Cựu tổng thống Carter và cố lãnh tụ Kim Nhật Thành ngồi ngang hàng cùng nhau trong chuyến đi Triều Tiên năm 1994 của ông Carter - Ảnh: CARTER CENTER
Đến bắt tay xây dựng lò phản ứng hạt nhân
Gần 1 tháng sau chuyến đi của ông Carter, tháng 7-1994, lãnh tụ Kim Nhật Thành – người đã tiếp đón ông Carter rất nồng hậu và ngồi ngang hàng nhau tại Bình Nhưỡng, bất ngờ qua đời.
Tuy nhiên, các cuộc đối thoại được duy trì giữa Mỹ và Triều Tiên sau đó đã đi tới một thỏa thuận được ký giữa hai bên vào tháng 10 cùng năm tại Geneva (Thụy Sĩ).
Nội dung chính của Thỏa thuận khung là Triều Tiên sẽ đóng băng các cơ sở hạt nhân của nước này, với điều kiện Mỹ hỗ trợ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ có khả năng sản xuất 2.000 MW.
Đặc điểm chính của một lò phản ứng nước nhẹ là rất khó để có thể sản xuất vũ khí hạt nhân so với các lò phản ứng hạt nhân khác.
Thực tế, phải mất gần 3 năm thương thuyết tiếp sau đó, lễ khởi công dự án lò phản ứng nước nhẹ mới chính thức diễn ra vào tháng 8-1997.
Hàn Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội để cải thiện quan hệ với Triều Tiên bằng cách cử hơn 14.000 người sang miền bắc thi công lò phản ứng đầu tiên.
Một tổ chức bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu được lập ra với tên gọi Tổ chức phát triển năng lượng bán đảo Triều Tiên (KEDO) có nhiệm vụ chính là giám sát việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ cho Bình Nhưỡng.
Một trong hai lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ mà Mỹ và các bên liên quan xây cho Triều Tiên - Ảnh chụp màn hình
Mọi việc tiến triển suôn sẻ, người ta thậm chí đã chuẩn bị xây dựng phần móng cho lò phản ứng thứ hai vào năm 2002.
Trong 4 năm kể từ khi Thỏa thuận khung được ký kết, không ghi nhận được bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, sau chuyến đi tháng 10-2002 của đặc phái viên Mỹ James Kelly tới Triều Tiên, mọi sự thay đổi nhanh chóng.
Washington tuyên bố Bình Nhưỡng thừa nhận đang có chương trình làm giàu uranium cấp độ cao – một hành động vi phạm Thỏa thuận khung.
"Chúng tôi có một quả bom hạt nhân. Bây giờ các ông tính sao với nó đây?" đại diện Triều Tiên trong vòng đàm phán 6 bên Li Gun kéo ông Kelly sang một bên và thì thầm vào tai đại diện Mỹ trong một cuộc gặp có Ngoại trưởng Trung Quốc Lý Triệu Tinh năm 2003.
Tổng thống Mỹ khi đó là George Bush – người vào tháng 1-2002 liệt Triều Tiên vào cái gọi là Trục ma quỷ, quyết định dừng thi công các lò phản ứng nước nhẹ và ngừng cung cấp dầu nặng cho Bình Nhưỡng.
Để đáp trả, Triều Tiên rút khỏi NPT vào năm 2003; Thỏa thuận khung giữa Mỹ và Triều Tiên chính thức sụp đổ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên tháng 10-2006.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận