Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: REUTERS
Một số tài liệu ít được chú ý nhưng được xới lại gần đây cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đã từng bắn tín hiệu phi hạt nhân hóa cách đây 5 năm. Đáng tiếc, "thiên" chưa vào thời, "địa" chưa thuận lợi và "nhân" chưa hòa nên những dấu hiệu đó đã bị bỏ qua.
Tổng thống Trump đang đứng trước cơ hội lịch sử trở thành nhà lãnh đạo tại nhiệm đầu tiên của Mỹ gặp một lãnh đạo Triều Tiên. Cuộc gặp có thể diễn ra vào tháng 6 tới, tức hơn 3 tháng sau khi ông Kim Jong Un ngỏ ý.
Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của hai miền Triều Tiên sau hơn 10 năm cũng đem lại những kết quả tích cực. Bình Nhưỡng đồng ý phi hạt nhân hóa một cách có thể kiểm chứng, hai miền tiến tới chấm dứt chiến tranh, thiết lập hòa bình sau hơn 7 thập kỷ đình chiến.
Tất cả diễn ra chỉ trong vòng 5 tháng kể từ đầu năm 2018, với việc ông Kim Jong Un là động lực chính cho cả quá trình.
Người dân Hàn Quốc tuần hành ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều với hai nhà lãnh đạo và một bán đảo Triều Tiên thống nhất - Ảnh: REUTERS
Tháng 3-2013, 2 năm sau khi lên cầm quyền, ông Kim chính thức tuyên bố theo đuổi đường lối "byungjin", tức "quốc phòng và kinh tế cùng tiến", nhấn mạnh Bình Nhưỡng muốn cải thiện năng lực hạt nhân song cũng muốn đưa nền kinh tế đi lên. 3 tháng sau đó, một tuyên bố của Ủy ban quốc phòng Triều Tiên đã lần đầu tiên nhắc tới vấn đề phi hạt nhân hóa.
Mặc dù tuyên bố vẫn sử dụng giọng điệu thù địch thường thấy, gọi Mỹ là "kẻ gây hấn chiến tranh" ở một vài chổ, Bình Nhưỡng đã khép lại nó bằng kết luận: "Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mệnh của lãnh đạo chúng tôi và nó phải được tiến hành mà không được thất bại".
Tuyên bố cũng kêu gọi "các cuộc đối thoại cấp cao giữa Triều Tiên và Mỹ nhằm thiết lập hòa bình, an ninh trong khu vực". Như để củng cố thêm ý định đối thoại với Washington, vài tuần sau tuyên bố của Ủy ban quốc phòng Triều Tiên, một quan chức của Bình Nhưỡng đã bí mật nhắn tới Mỹ rằng những gì nêu trong tuyên bố thực chất là quan điểm cá nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Tháng 7-2016, vấn đề phi hạt nhân hóa lại một lần nữa được Triều Tiên nhắc lại bởi một người phát ngôn của chính phủ. Tuyên bố có đoạn nhấn mạnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là "mệnh lệnh của Lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành và Lãnh tụ kính yêu Kim Jong Il, là ý chí kiên định của toàn đảng, toàn quân và toàn dân Triều Tiên".
Những tín hiệu đó phần lớn đều không nhận được sự chú ý đúng mức, một phần xuất phát từ việc các động thái thử tên lửa và hạt nhân dồn dập của Bình Nhưỡng.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên - Clip: TTO
Bài học từ Iraq và Libya
Dù liên tục nhắc đến vấn đề phi hạt nhân hóa, ông Kim Jong Un lại bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế để theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân. Thực tế, nói như một nhà bình luận quốc tế, ông Kim đang tìm kiếm "bảo kiếm hộ quốc" sau các bài học Iraq và Libya.
Nhiều năm sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, các học giả đã chỉ ra rằng sai lầm của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein trước quốc tế không phải là thái độ thù địch với Mỹ. Cái sai lớn nhất của ông là sự mập mờ trong các cáo buộc nói Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khi thực tế ông ta không hề có.
Nói một cách khác, cố lãnh đạo Iraq đã cố gắng giả vờ sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, lấy đó làm thanh kiếm hộ quốc. Nhưng các thông tin tình báo của Mỹ đã biết rõ việc Iraq không hề có thứ vũ khí này và một màn kịch tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bởi Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Colin Powell là cái cớ cho cuộc xâm lược của Washington tháng 3-2003.
Đối với trường hợp Libya, mối đe dọa có phần hiện hữu hơn Iraq khi tất cả đều biết nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đang theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy những cơ sở hạt nhân của Libya, không ai rõ số uranium được làm giàu cấp độ cao là bao nhiêu.
Tuy nhiên, dưới sự thuyết phục và gây sức ép của cộng động quốc tế do Mỹ dẫn đầu, tháng 12-2003, tức 9 tháng sau khi Washington xâm lược Iraq, ông Gaddafi đồng ý ngừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, đồng ý chuyển các thanh nhiên liệu hạt nhân tới Mỹ. Động thái này có phần gây bất ngờ với thế giới và được truyền thông phương Tây tung hô là một chiến thắng của tình báo Anh, Mỹ.
Ông Gaddafi trong bài phát biểu đầu tiên và cuối cùng trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9-2009 - Ảnh: EPA
Ngày 20-3-2011, 2 năm sau khi số uranium làm giàu ở cấp độ cao cuối cùng của Libya được di chuyển ra khỏi cơ sở hạt nhân Tajoura, liên quân hơn 10 nước do Mỹ dẫn đầu bắt đầu tấn công quốc gia Bắc Phi này. 7 tháng sau các đợt không kích của Mỹ, nhà lãnh đạo Gaddafi bị bắn chết mà không qua xét xử khi người ta phát hiện ông trốn trong một ống cống gần quê nhà Sirte.
Những gì xảy ra tại Iraq và Libya rõ ràng là bài học tổng kết kinh nghiệm cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un. Bằng cách theo đuổi chương trình hạt nhân một cách bất chấp, ông Kim đã tạo ra một mối đe dọa thật sự hiện hữu với Mỹ.
Tháng 4-2018, khi ông Kim Jong Un tuyên bố ngừng thử tên lửa và hạt nhân, nhiều người xem đó là một sự khuất phục của Bình Nhưỡng trước các đòn trừng phạt của phương tây. Nhưng nếu nhìn ở một góc cạnh khác, đó là cách Triều Tiên ngầm thông báo họ đã thực sự sở hữu thứ khiến Mỹ phải dè chừng, một mối đe dọa hữu hình và hoàn toàn thực tế, thứ mà tình báo Mỹ là người biết rõ nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận