Tổng thống Mỹ Donald Trump cần giải quyết một số bài toán khác bằng một thỏa thuận giảm căng thẳng thương mại với Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Truyền thông Trung Quốc ngày 20-5 cho biết Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí từ bỏ "bất kỳ cuộc chiến thương mại nào", và rút lại những khoản thuế nhập khẩu đã dọa áp đặt lên đối phương trước đó.
Chưa "rã băng"
Tân Hoa xã dẫn lời Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán tại Washington, nói: "Cả hai nước đã đạt đồng thuận, sẽ không lao vào chiến tranh thương mại và sẽ ngừng việc tăng thuế nhập khẩu lên nước kia".
Ông Lưu gọi sự nhất trí này là điều cần thiết, nhưng lưu ý thêm rằng phải nhận thức được chuyện rã một tảng băng không thể ngày một ngày hai, và giải quyết vấn đề về cấu trúc quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước sẽ cần có thời gian.
Truyền thông quốc tế phần lớn nhận định rằng cuộc họp vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc với những tín hiệu tạm lạc quan. Tuy nhiên, ngoài những tuyên bố mang cảm giác ấm áp, rất ít chi tiết cụ thể được đưa ra.
Lấy ví dụ trong tuyên bố chung của cuộc đàm phán, Trung Quốc cam kết sẽ "gia tăng đáng kể" số lượng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Đây là lời hứa có thể xoa dịu một trong những vấn đề hữu hình mà Washington yêu cầu.
Trước đây Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên bày tỏ sự không hài lòng với tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Năm ngoái, Mỹ chứng kiến mức độ thâm hụt kỷ lục 375 tỉ USD khi giao thương với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, như ông Lưu Hạc nói, hiện tại Trung Quốc chưa đưa ra con số cụ thể sẽ tăng cường mua thêm bao nhiêu giá trị hàng Mỹ. Báo Washington Post dẫn lời ông Lawrence Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, nhận xét rằng một mức giảm thâm hụt xuống còn 200 tỉ USD tính tới năm 2020 là "một con số ổn".
Giới phân tích thương mại cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không đồng ý đưa ra mục tiêu cụ thể để giảm thâm hụt giữa hai nước. Ngoài ra, tuyên bố chung nêu trên cũng không đề cập tới tiến độ giải tỏa căng thẳng về các hành động áp thuế trả đũa giữa hai nước.
Mỹ và Trung Quốc được cho là nhanh chóng bắt tay về chuyện thương mại để giải quyết các vấn đề của mình - Ảnh: REUTERS
Bài thuốc tức thời?
Eswar Prasad, chuyên gia kinh tế và thương mại tại Đại học Cornell nhận xét rằng kết quả đàm phán vừa đạt được khá yếu và mơ hồ, và đây có thể là cách tạm hoãn việc áp thuế. Ngoài ra, có nhiều lý do để tin rằng những tín hiệu lạc quan về bề nổi này được đưa ra cho một số mục tiêu khác.
Đầu tiên, đã xuất hiện nhiều đồn đoán về việc Trung Quốc có tác động ít nhiều tới cuộc gặp thượng đỉnh được kỳ vọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Sự kiện diễn ra ngày 12-6 đã vấp phải nhiều lo âu, sau khi Triều Tiên bất ngờ có thái độ cứng rắn với hành động tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cũng như các yêu cầu cụ thể về tình hình hạt nhân mà Mỹ được cho đang muốn đưa tới cuộc đàm phán.
Sự thay đổi của Triều Tiên diễn ra bất ngờ, nhưng xuất hiện không lâu sau khi lãnh đạo Kim Jong Un bất ngờ đến Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng.
Trung Quốc cũng như Hàn Quốc hay Nhật Bản, không muốn mình đứng ngoài cuộc trong câu chuyện Mỹ - Triều. Bắc Kinh luôn ủng hộ một thỏa thuận đa phương kiểu Iran để giải quyết tình hình hạt nhân Triều Tiên.
Thứ hai, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington cũng có thể là một con cờ trong tay hai nước.
Bất kỳ thỏa thuận riêng nào cũng có thể ảnh hưởng tới câu chuyện giữa Mỹ và Triều Tiên tới đây. Nói như ông Prasad, thì "chính quyền ông Trump có vẻ muốn ít nhất tạo ra không khí hòa bình nhất thời với Trung Quốc để đảm bảo một sự chuẩn bị mượt mà cho cuộc gặp Kim - Trump trong tháng 6".
Mặt khác, Nhà Trắng đang lo lắng về việc cử tri nông dân ở các bang của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng từ việc Trung Quốc áp thuế sản phẩm nông nghiệp.
Vậy nên, bất chấp những lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc, ông Trump vẫn phải tìm cách ít nhất giải quyết tức thời vấn đề này để tranh thủ sự ủng hộ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra tháng 11 tới đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận