Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) trong cuộc gặp với các quan chức Mỹ tại Washington hồi tháng 5-2019 - Ảnh: REUTERS
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn sẽ đón tiếp Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại nhà khách quốc gia Tây Giao.
Việc chuyển địa điểm sang Thượng Hải thay vì Bắc Kinh như trước đây dường như chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh ý nghĩa của việc hai bên đồng ý nối lại đàm phán. Thượng Hải là nơi chứng kiến "Thông cáo chung Thượng Hải 1972" - một cột mốc trong quan hệ song phương Mỹ - Trung.
Báo South China Morning Post cho biết thái độ của truyền thông Nhà nước Trung Quốc đối với sự kiện lần này khá thận trọng. "Truyền thông Trung Quốc không đặt kỳ vọng sẽ có bất kỳ sự đột phá nào sau cuộc gặp lần này" - tờ báo của Hong Kong viết.
Ở chiều ngược lại, hôm 27-7, Tổng thống Trump tuyên bố Trung Quốc sẽ không đặt bút ký vào một thỏa thuận thương mại với Mỹ "dù tôi chỉ có 2% thua trong cuộc bầu cử năm tới". Theo ông Trump, Bắc Kinh đang câu giờ và chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi cuối tháng 6, ông Trump tuyên bố sẽ không áp thuế nhập khẩu bổ sung lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và nới lỏng các biện pháp hạn chế với Tập đoàn Huawei nếu Bắc Kinh đồng ý mua thêm nông sản Mỹ. Tổng thống Mỹ sau đó than phiền rằng Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa đúng hẹn.
Dù kỳ vọng đột phá cho cuộc gặp lần này là thấp, các quan chức và doanh nghiệp hai nước vẫn hi vọng sẽ có vài cử chỉ thiện chí từ hai phía nhằm dọn đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Những động thái thiện chí đó có thể bao gồm việc Bắc Kinh cam kết mua nhiều hơn nông sản Mỹ, đổi lại Washington sẽ cho phép các công ty bán công nghệ và thiết bị cho Huawei, theo Hãng tin Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận