Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào cuối năm nay - Ảnh: AFP
Đầu tuần này, giới chuyên gia Trung Quốc đã có những bình luận tích cực về quan hệ Mỹ - Trung. Giáo sư ngành quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) nhận định trạng thái căng thẳng trong quan hệ Washington - Bắc Kinh dường như đã tạm lắng dịu.
Lạc quan thận trọng
"Nhìn chung, căng thẳng giữa hai nước dường như đã ngừng gia tăng" - giáo sư Thời Ân Hoằng, cũng là cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc, chia sẻ trong buổi ra mắt sách tại Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG) ở Bắc Kinh vào hôm 11-10.
Theo ông Thời, cơ sở để nói quan hệ giữa hai nước đang "tan băng" chính là các cuộc tiếp xúc giữa quan chức cấp cao hai nước gần đây, bên cạnh những động thái khác.
Tín hiệu đầu tiên là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm 10-9. Khoảng hai tuần sau, giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc), bà Mạnh Vãn Chu, được trả tự do và quay về Trung Quốc sau gần 3 năm bị quản thúc tại Canada. Bà Mạnh bị bắt tại Canada hồi tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ. Trước khi bà Mạnh được thả, chính ông Tập đã yêu cầu Mỹ giải quyết vụ việc bà Mạnh trong cuộc điện đàm với Tổng thống Biden.
Tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp trực tiếp nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là Dương Khiết Trì tại Zurich (Thụy Sĩ). Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng đã họp trực tuyến với Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai vào cuối tuần qua.
"Cuộc gặp giữa ông Dương Khiết Trì và ông Jake Sullivan tại Zurich là một tín hiệu "lạc quan thận trọng" cho thấy quan hệ Trung - Mỹ đang quay trở lại đúng hướng" - tờ Trung Quốc Nhật báo (Trung Quốc) đánh giá. Còn tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng "thái độ của Mỹ với Trung Quốc đã được điều chỉnh".
Còn nhiều bất đồng lớn
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng quan hệ hai nước sẽ nóng trở lại. "Trong tương lai gần, căng thẳng giữa hai nước sẽ không giảm đi. Có thể sẽ có ít lời lẽ tiêu cực hơn, nhưng bản chất của mối quan hệ vẫn như vậy" - giáo sư Thời Ân Hoằng bình luận.
"Một số người ở Trung Quốc hơi quá lạc quan. Thậm chí nếu tổng thống Mỹ cười, người Trung Quốc cũng trở nên phấn khích" - giáo sư Thời Ân Hoằng nói.
Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn còn những bất đồng lớn chưa thể giải quyết, nhất là về kinh tế, thương mại. Về thương mại, hai nước vẫn có quan điểm đối lập về việc Trung Quốc có đang thực hiện các yêu cầu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã đàm phán dưới thời tổng thống Donald Trump hay không.
Thỏa thuận này yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh các quy định về sở hữu trí tuệ và một số lĩnh vực khác, đồng thời đưa ra những mục tiêu cụ thể về việc Trung Quốc mua hàng của Mỹ. Hãng tin Bloomberg cho biết đến nay Trung Quốc mới chỉ mua một nửa số hàng hóa đã cam kết.
Về chính sách công nghiệp, lâu nay Mỹ vẫn thường bày tỏ lo ngại về các chương trình trợ giá của Bắc Kinh. Đã nhiều lần Mỹ phản ứng "các hành vi không công bằng, phi thị trường" của Trung Quốc.
Giáo sư Thời Ân Hoằng cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp tục và "các mặt trận đối đầu mới có thể sẽ xuất hiện khi Mỹ thực hiện các biện pháp bổ sung (với Trung Quốc)".
Ngoài kinh tế và thương mại, vẫn còn những bất đồng trong các lĩnh vực khác mà hai nước không dễ giải quyết. Gần đây, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương gọi quyết định lập "Trung tâm Sứ mệnh Trung Quốc" của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) là "bước tính toán sai lầm nghiêm trọng nhất".
Để cải thiện quan hệ, đối với Mỹ, Trung Quốc nên thay đổi "các hành vi có hại cho các công ty và người lao động Mỹ", theo Nhà Trắng. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng Mỹ nên "làm nhiều điều hơn nữa có lợi cho sự phát triển ổn định quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung".
Chờ cuộc họp thượng đỉnh cuối năm
Sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung, giới quan sát đang chờ đợi cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến cuối năm nay của họ. Ông Evan Medeiros, cựu cố vấn hàng đầu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng cuộc họp đó có thể là "cách duy nhất để tìm ra con đường tiến về phía trước" trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung, theo kênh CNBC.
Bình luận về vấn đề này vào ngày 12-10 trên báo Straits Times, cây bút Liam Gibson cho rằng Washington và Bắc Kinh phải tận dụng tối đa cuộc họp thượng đỉnh cuối năm để ngăn quan hệ hai bên tiếp tục xấu đi.
"Cuộc họp thượng đỉnh Biden - Tập phải là "một Zurich" khác, không được là "Anchorage""- cây bút Liam Gibson bình luận. Trong đó, Zurich đề cập tới cuộc gặp giữa hai ông Dương Khiết Trì - Sullivan, còn Anchorage đề cập tới cuộc đối thoại Mỹ - Trung căng thẳng ở Anchorage, bang Alaska (Mỹ) hồi tháng 3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận