Tàu chiến Mỹ USS William P. Lawrence trong một lần đi qua biển Philippines cuối tháng 3-2016 - Ảnh: AFP |
Giới quan sát nhận định tình hình đang khá căng khi Mỹ và Trung Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao và cả quân sự ở Đông Nam Á trong những tuần qua. Phán quyết cũng được cho là tác động đến chiến lược đối trọng giữa Trung Quốc và Mỹ ở Thái Bình Dương. Do đó, cả Bắc Kinh và Washington đang ráo riết chạy đua tìm sự ủng hộ của càng nhiều nước càng tốt.
Trung Quốc chạy như con thoi
Nhà phân tích Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định: “Nếu coi đây là một bàn cờ thì các bên đang di chuyển những quân cờ trước viễn cảnh sắp tới ở Biển Đông sau phán quyết của PCA”.
Theo Bloomberg, các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc đều đang bận rộn. Giới chức quân sự cấp cao Trung Quốc gần đây đã đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam một cách trái phép cùng một nhóm văn công để biểu diễn văn nghệ.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn tuyên bố đã có được sự ủng hộ từ các nước khác nhau như Gambia (ở tận... Tây Phi), Ba Lan và Qatar trên quan điểm của Bắc Kinh rằng PCA không có thẩm quyền phân xử vụ kiện và tranh chấp nên giải quyết song phương. Thậm chí, Bắc Kinh còn tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc đảo Thái Bình Dương xa xôi là Fiji.
Đối với ASEAN, Trung Quốc cũng không muốn giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc chỉ cần một thành viên trong ASEAN đứng về phía mình. Đáng chú ý là thương mại của Trung Quốc ở ASEAN là hơn 360 tỉ USD, cao hơn Mỹ.
Trong khi đó, Washington lại nhấn mạnh sự cần thiết phải có một ASEAN đoàn kết để đáp lại phán quyết của PCA. Ông Vương Nghị thời gian qua cũng đã có chuyến đi con thoi đến Brunei, Campuchia và Lào. Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tuần này đã thăm Malaysia và Indonesia.
Mỹ không ngồi yên
Trong khi đó, Mỹ cũng có những động thái tương tự. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã xuất hiện trên một tàu sân bay của Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông cùng người đồng cấp Philippines. Động thái thể hiện “tự do hàng hải” này được thực hiện ngay sau khi Manila đồng ý một thỏa thuận mới để quân Mỹ luân chuyển đến các căn cứ quân sự ở Philippines.
Trong tuần này, Biển Đông cũng dậy sóng khi các phương tiện truyền thông cho biết tàu khu trục USS William P. Lawrence của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc chiếm và xây dựng đường băng trái phép tại đây. Trung Quốc phản đối hoạt động này và tung thông tin rằng hải quân nước này đã điều máy bay và tàu chiến ngăn cản tàu Mỹ.
Nhưng Úc đã kịp thời lên tiếng ủng hộ hoạt động tự do đi lại của Mỹ tại Biển Đông. Theo Reuters, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã lặp lại quan điểm ủng hộ Mỹ.
“Chúng tôi đã bàn về các vấn đề an ninh trong khu vực và khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng tôi về quyền tự do đi lại trong khu vực và sự quan trọng của việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua các giải pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế” - ông nói với báo giới hôm 12-5.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel vừa kết thúc chuyến thăm Lào, Việt Nam và Malaysia hôm 12-5. Dư luận cũng đang chú ý chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời gian tới.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào trước phán quyết của PCA nếu quyết định này bất lợi cho Trung Quốc. Giới quan sát đưa ra hai khả năng. Một là Trung Quốc có thể ngưng xây dựng trên các thực thể mà họ đang chiếm.
Hai là họ có thể làm leo thang tình hình bằng cách xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm từ tay Philippines hồi năm 2012. Khả năng này đã được phía Mỹ cảnh báo hồi tháng 3. Nếu Bắc Kinh đưa rađa, máy bay và tên lửa ra đồn trú ở Scarborough, hỏa lực của Trung Quốc có thể vươn tới Manila và các căn cứ mà quân Mỹ sử dụng.
Chuyên gia Zack Cooper thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington nhận định việc Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn này sẽ là “cái đinh cuối cùng đóng xuống ván hòm” đối với các nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết căng thẳng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, hôm qua Tân Hoa xã phát đi thông tin cho biết tướng Phòng Phong Huy - tổng tham mưu trưởng quân đội, thành viên Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã có cuộc nói chuyện qua cầu truyền hình với tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Theo đó, tướng Trung Quốc đề nghị “hai bên cần kiềm chế các hành động có thể làm tổn hại quan hệ hai nước và hai quân đội” và hai nước cần “thu xếp những khác biệt về vấn đề Biển Đông trên tinh thần xây dựng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận