28/02/2015 07:56 GMT+7

​Mỹ tố Trung Quốc hung hăng trên biển Đông

VIỆT PHƯƠNG - TR.PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG - TR.PHƯƠNG

TT - Ông James Clapper, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, vừa thông báo với các thượng nghị sĩ rằng Trung Quốc đang mở rộng các tiền đồn ở biển Ðông làm nơi đồn trú tàu thuyền và cả những sân bay.

Trung Quốc lấn biển xây đảo nhân tạo trái phép ở đảo Gạc Ma và tại bãi đá Chữ Thập (ảnh nhỏ) - Ảnh: AFP - CSIS
Trung Quốc lấn biển xây đảo nhân tạo trái phép ở Gạc Ma và tại bãi đá Chữ Thập (ảnh nhỏ) - Ảnh: AFP - CSIS

Theo The Guardian, ông Clapper dùng những từ ngữ khá nặng nề rằng đây là một phần trong nỗ lực “hung hăng” của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền vô lý của mình.

Phát biểu tại Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ về các mối đe dọa toàn cầu hôm 26-2, ông Clapper nhấn mạnh các mối quan ngại của Mỹ về hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Ðông cũng như căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng về tranh chấp biển đảo. 

Chúng tôi tin rằng Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển để tạo ra một mạng lưới công sự tại trung tâm quần đảo Trường Sa (của Việt Nam)
Ông JAMES HARDY
(tổng biên tập HIS Jane’s Defense Weekly trả lời phỏng vấn CNN)

Xu hướng đáng lo ngại

“Mặc dù Trung Quốc đang tìm kiếm một mối quan hệ ổn định với Mỹ, nhưng họ cũng sẵn lòng chấp nhận các căng thẳng song phương và mang tính khu vực để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là vấn đề chủ quyền lãnh hải” - nhà lãnh đạo tình báo Mỹ nhận định.

Ông cũng nhận định về yêu sách đường chín đoạn phi lý nuốt trọn hơn 80% biển Ðông của Trung Quốc là “đòi hỏi quá đáng”. Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở biển Ðông, nhưng Washington nói có các lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới này.

Trong năm qua, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc mở rộng bãi đá Ga Ven ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông McCain nói việc Trung Quốc mở rộng tiền đồn có thể giúp Bắc Kinh triển khai vũ khí, bao gồm cả các loại vũ khí đối không và những khả năng khác.

Riêng ông Clapper nói Trung Quốc vẫn đang trong quá trình xây dựng các tiền đồn nên chưa rõ Bắc Kinh sẽ triển khai loại vũ khí hay lực lượng nào ra đó.

Ông nhấn mạnh những hành động như trên của Trung Quốc trong năm qua, cộng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam là một “xu hướng đáng lo ngại”.

Phản ứng lại các bình luận của ông Clapper, theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 27-2 chỉ trích quan điểm của phía Mỹ. Ông Hồng Lỗi ngang nhiên cho rằng hoạt động xây dựng của họ ở Trường Sa là... chính đáng.

Những ngày qua, giới truyền thông quốc tế cũng liên tục thông tin về việc Trung Quốc gia tăng xây dựng trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Không ít tờ báo sử dụng ngôn từ mô tả ý đồ của Trung Quốc là biến chuỗi đảo nhân tạo này thành loại “tàu sân bay không thể bị đánh chìm”.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trong năm qua Trung Quốc và Ðài Loan có những hoạt động xây dựng trái phép quy mô tại đảo Ba Bình, bãi đá Ga Ven, đảo Gạc Ma và bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hồi đầu tháng 2, theo Reuters, phía hải quân Philippines cho biết Trung Quốc đã bắt đầu nạo vét quanh đá Vành Khăn của Việt Nam, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chuẩn bị mở rộng cơ sở tại đây. Việc xây dựng phi pháp của Trung Quốc cũng diễn ra ở bãi đá Châu Viên thuộc Trường Sa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng về việc Trung Quốc tiến hành cải tạo, thay đổi hiện trạng các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình từng nhấn mạnh: “Mọi hoạt động của các bên liên quan ở Biển Ðông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở biển Ðông (DOC) và không có bất cứ hành động nào làm phức tạp thêm tình hình”.

Ông Lê Hải Bình cũng nói thêm trong tình hình hiện nay, tất cả các bên đều phải có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Ðông. Theo Reuters, giới ngoại giao và chuyên gia trong khu vực đã lên tiếng các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. 

Máy bay tuần thám hiện đại P-8A Poseidon của hải quân Mỹ - Ảnh: Reuters

Máy bay tuần thám của Mỹ tuần tra biển Đông

Theo AFP, hôm qua, giới chức của Philippines đã xác nhận máy bay do thám tối tân nhất của Mỹ, loại P-8A Poseidon đã cất cánh từ căn cứ ở Philippines để tuần tra biển Ðông. Ðây là sự xác nhận cho thông báo một ngày trước đó của hải quân Mỹ.

Trong tuyên bố lần đầu tiên xác nhận các chuyến bay tuần tra biển Ðông, hải quân Mỹ cho biết P-8A Poseidon đã thể hiện khả năng hoạt động tại các vùng môi trường duyên hải lẫn trên đại dương.

Theo đó, chiếc P-8A Poseidon đã triển khai hoạt động tại Philippines trong ba tuần đầu tháng 2, thực hiện khoảng 180 giờ tuần tra.

“Ðó là cơ hội tuyệt vời để làm việc cùng với những thành viên của các lực lượng vũ trang Philippines. Chia sẻ khả năng của chiếc máy bay này với các đồng minh chỉ càng siết chặt mối quan hệ đôi bên” - trung úy hải quân Mỹ Matthew Pool, chỉ huy phi đội không chiến 4, trả lời trên Reuters.

Mỹ, đồng minh lâu đời nhất và thân cận nhất của Philippines, hứa sẽ chia sẻ thông tin “thời gian thực” về những biến động trên vùng biển của Philippines trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở biển Ðông.

Washington tuyên bố không đứng về phía nào trong các tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trên biển Ðông và kêu gọi các bên thương lượng để đạt được bộ quy tắc ứng xử trên biển.

Mỹ cũng đã kêu gọi ngừng các hành động khiêu khích trên biển, nhưng Trung Quốc bác bỏ sự tham gia của Mỹ và chỉ trích Washington về kích động bên tranh chấp như Philippines và Việt Nam với chiến lược xoay trục ở châu Á.

Ðại tá Restituto Padilla, một người phát ngôn của quân đội Philippines, cho biết hải quân Mỹ đã triển khai loại máy bay tuần thám P-3C Orions từ năm 2012 từ các căn cứ của Philippines theo một thỏa thuận an ninh song phương về luân chuyển quân sự.

Ông cho biết chiếc máy bay P-8A hiện đại hơn đã thay thế những chiếc Orions từ năm ngoái nhưng hai nước không xác nhận về chuyến bay tuần tra.

Các quốc gia có quyền lợi ở biển Đông cần phải hợp sức

Thật đáng tiếc khi chúng ta đang chứng kiến Bắc Kinh nỗ lực quân sự hóa ở biển Đông. Theo tôi, các nước có chủ quyền và quyền lợi quốc gia ở biển Đông phải hợp sức cùng nhau và tiếp tục nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh điều chỉnh đường lối quá đáng của họ.

Sự kiện giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper thông báo về việc Trung Quốc đang mở rộng các tiền đồn của mình ở biển Đông để làm nơi đồn trú tàu thuyền và cả những sân bay sẽ làm gia tăng lo ngại về hồ sơ biển Đông nói chung và động thái của Chính phủ Trung Quốc nói riêng.

Chính phủ các nước có chủ quyền và lợi ích chính đáng ở biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Nhật, Mỹ, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác đều có cùng quan điểm cho rằng những đòi hỏi của Bắc Kinh ở biển Đông là thiếu cơ sở và những tranh chấp ở biển Đông nên được giải quyết theo phương thức hòa bình.

Ngoài ra, những nước này phải có các biện pháp hợp lý, kịp thời nhằm đảm bảo và củng cố những nguyên tắc cốt yếu để bảo vệ sự an toàn hàng hải trên biển và môi trường hòa bình trong khu vực.

JONATHAN LONDON 
(GS khoa châu Á và quốc tế học
kiêm thành viên Trung tâm nghiên cứu Ðông Nam Á
tại Ðại học Thành Thị Hong Kong
)

QUỲNH TRUNG ghi

VIỆT PHƯƠNG - TR.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp