16/02/2016 08:47 GMT+7

MỸ tìm thẩm phán tòa án tối cao: Thượng viện gây khó tổng thống

THU ANH
THU ANH

TT - Việc thẩm phán tòa án tối cao Antonin Scalia qua đời khiến chính trường Mỹ dậy sóng trong năm bầu cử, khi mà Đảng Cộng hòa quyết tâm ngăn chặn bất cứ ứng viên kế nhiệm nào do tổng thống đưa ra.

Thẩm phán Scalia đột ngột qua đời khiến chính trường Mỹ dậy sóng - Ảnh: Reuters
Thẩm phán Scalia đột ngột qua đời khiến chính trường Mỹ dậy sóng - Ảnh: Reuters

Theo AFP, ông Scalia qua đời đột ngột hôm 13-2 sau một cơn đau tim ở tuổi 79. Ông Scalia được tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm vào tòa án tối cao năm 1986.

Tin này lập tức làm dậy sóng cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc Đảng Cộng hòa phát biểu hôm 14-2: “Tôi nghĩ với sự ra đi của thẩm phán Scalia, chúng ta được nhắc nhở rằng cuộc bầu cử này quan trọng như thế nào và tại sao chúng ta phải thắng”.

Trì hoãn hay không trì hoãn

Ông Obama đã nổ phát súng đầu tiên trong cuộc chiến tìm người kế nhiệm ông Scalia khi tuyên bố sẽ thực thi “những trách nhiệm hiến pháp” và đề cử người kế nhiệm.

Hôm 14-2, Nhà Trắng cho hay ông Obama sẽ đề cử một người vào vị trí còn trống nhưng sẽ đợi cho đến khi thượng viện nhóm họp trở lại vào ngày 22-2.

“Chúng tôi hi vọng thượng viện sẽ xem xét ứng viên, phù hợp với trách nhiệm của họ được ghi trong hiến pháp” - người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz nói.

Theo Reuters, Nhà Trắng từ chối tiết lộ thời gian cụ thể khi ông Obama sẽ công bố tên ứng viên.

Những nhân vật hàng đầu trong Đảng Cộng hòa, bao gồm cả sáu ứng cử viên đang chạy đua vào Nhà Trắng, đã đe dọa ngăn chặn bất cứ ứng cử viên nào do ông Obama đưa ra.

Họ tranh luận rằng vị trí còn trống của ông Scalia nên để cho tổng thống nhiệm kỳ sau quyết định.

Đảng Cộng hòa tranh cãi rằng không có vị tổng thống nào trong thời gian gần đây lại đề cử thẩm phán tòa án tối cao trong năm cuối ở nhiệm sở.

Tuy nhiên, có lẽ cũng cần nhắc lại rằng thẩm phán Anthony Kennedy, người được tổng thống Ronald Reagan đề cử, đã được thông qua năm 1988 sau khi thượng viện bác ứng cử viên đầu tiên là Robert Bork, cũng là năm cuối nhiệm kỳ của ông Reagan.

Lãnh đạo phe đa số của Đảng Cộng hòa tại thượng viện, thượng nghị sĩ Mitch McConnel, nói thẳng: “Không nên tìm người lấp vào chỗ trống này cho đến khi chúng ta có tổng thống mới”.

Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại thượng viện Harry Reid mô tả việc trì hoãn đề cử người kế nhiệm ông Scalia sẽ là “một sự từ bỏ đáng xấu hổ” các nhiệm vụ hiến pháp của thượng viện.

Reuters dẫn lời ông Reid cho biết chưa từng có tiền lệ vị trí thẩm phán tòa án tối cao bị để trống một năm. Trong lịch sử hiện đại, vị trí này bỏ trống lâu nhất là 363 ngày sau khi ông Abe Fortas từ chức vào tháng 5-1969.

Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, tấn công thêm khi tố cáo việc những người Đảng Cộng hòa kêu gọi trì hoãn là “việc làm ô danh hiến pháp”.

Ứng cử viên Bernie Sanders của Đảng Dân chủ cũng lên tiếng cho rằng hiến pháp đã ghi quá rõ ràng: “Tổng thống đề cử, thượng viện thông qua. Cứ thế mà làm”.

Cán cân có thể thay đổi

Trong buổi tranh luận cho cuộc đua vị trí ứng viên tổng thống hôm 13-2, theo Reuters, sáu ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã cúi đầu mặc niệm tưởng nhớ thẩm phán Scalia và tỏ rõ sự đoàn kết phản đối việc ông Obama đề cử người kế nhiệm.

Ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump nói việc trì hoãn liên tiếp bất cứ sự đề cử nào từ ông Obama tùy vào quyết định của các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, Tổng thống Obama kêu gọi thượng viện đối xử công bằng với người ông đề cử. Thông thường, tổng thống đề cử các ứng viên cho tòa án tối cao nhưng vị trí của họ phải được thượng viện thông qua để giữ vị trí này suốt đời.

Một nhiệm kỳ lâu dài như vậy cho phép các thành viên của tòa án không phải chịu bất cứ sức ép chính trị nào. Vị trí suốt đời này cũng giúp quyết định một số vấn đề quan trọng nhất đối với người Mỹ.

Tòa án tối cao là tòa án liên bang cấp cao nhất tại Mỹ, có thẩm quyền trong việc giải thích hiến pháp và có tiếng nói quyết định đối với các tranh tụng về luật liên bang. Tòa bao gồm tám thẩm phán và một chánh án (người đứng đầu tòa).

Họ được tổng thống Mỹ bổ nhiệm trọn đời và do thượng viện phê chuẩn. Chánh án hiện tại là ông John G. Roberts, Jr., giữ vị trí kể từ tháng 9-2005.

Trong thời gian gần đây, tòa án tối cao đã ngăn trở các nỗ lực lớn của chính quyền Barack Obama về biến đối khí hậu và nhập cư.

Khi còn ông Scalia, những người theo xu hướng bảo thủ chiếm đa số với năm vị. Giờ đây, sau khi ông Scalia qua đời, tỉ lệ các thẩm phán theo tư tưởng bảo thủ so với các thẩm phán theo tư tưởng tự do đang ở mức ngang bằng 4-4. Ai là người kế nhiệm ông Scalia sẽ có thể làm thay đổi cán cân của tòa án tối cao.

Ứng viên người gốc Việt

Theo Reuters, có bốn ứng viên sáng giá thay thế ông Scalia, trong đó có hai người gốc Á gồm Sri Srinivasan - 48 tuổi, một người Mỹ gốc Ấn Độ - và bà Jacqueline Nguyễn - 50 tuổi, một phụ nữ Mỹ gốc Việt.

Bà Nguyễn sinh năm 1965 ở Đà Lạt, Việt Nam. Bà theo gia đình sang Mỹ định cư khi 10 tuổi. Năm 1995, bà chuyển đến làm việc tại Văn phòng chưởng lý Mỹ, công tác ở bộ phận chống tham nhũng và gian lận công, trong đó có cả việc giám sát các thủ tục truy tố sai phạm của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tháng 8-2002, bà được bổ nhiệm làm thẩm phán tại Tòa cấp cao hạt Los Angeles. Bà Nguyễn là người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào Tòa cấp cao hạt Los Angeles.

Ngày 22-9-2011, Tổng thống Obama đề cử bà Nguyễn vào Tòa án phúc thẩm khu vực 9. Bà trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên làm việc cho tòa phúc thẩm liên bang, đồng thời là nữ thẩm phán liên bang gốc châu Á - Thái Bình Dương đầu tiên tại California.

N.QUÂN

THU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp