TT - Các trường học đã giúp đoàn thể thao Mỹ đoạt hơn 80 huy chương tại Olympic London. Nổi bật nhất là Đại học Southern California (USC) với 24 huy chương các loại.
Trong đó có 12 HCV, nhiều hơn cả đoàn xếp thứ năm chung cuộc là Đức.
Olympic London đã khép lại sau hơn nửa tháng tranh tài sôi nổi, kết quả đoàn Mỹ dẫn đầu bảng tổng sắp với 104 huy chương, trong đó có 46 HCV, 29 HCB và 29 HCĐ. Suốt lịch sử 116 năm của Olympic mùa hè, Mỹ đã đoạt tổng cộng 2.400 huy chương các loại, hơn rất xa so với hai đối thủ xếp tiếp theo là Liên Xô cũ (1.010 huy chương) và Đức (895 huy chương).
Đâu là bí quyết giúp Mỹ gặt hái thành công ở Olympic? Các chuyên gia thể thao và giới truyền thông quốc tế đã trả lời: “Thể thao học đường giúp Mỹ cất cánh!”. Nhận định này xuất phát từ thực tế hầu như ở đợt tranh tài Olympic nào, các VĐV thuộc các trường học cũng đều đóng góp hơn phân nửa số huy chương cho đoàn Mỹ. Theo thống kê của tờ Los Angeles Times (Mỹ), tính riêng ở Olympic London, các trường học đã đóng góp gần 80 huy chương cho đoàn Mỹ.
Nhiều nhất là USC với 41 VĐV tranh tài và đoạt 24 huy chương các loại (12 HCV, 9 HCB và 3 HCĐ). Ngoài ra, các trường như Cal & Stanford (16 huy chương), Washington (11 huy chương), California, Los Angeles (8 huy chương), Arizona (4 huy chương), Oregon (3 huy chương), ASU (Trường đại học bang Arizona, 2 huy chương)... Riêng Trường trung học Regis Jesuit (Colorado) chỉ với đại diện duy nhất là nữ kình ngư 17 tuổi Missy Franklin đã đóng góp đến 4 HCV và 1 HCB.
Các chuyên gia đã đưa ra một giả thuyết vui: nếu USC được đại diện thi đấu như một quốc gia, họ sẽ xếp thứ 11 trên bảng tổng sắp huy chương và đứng thứ năm nếu xét về số lượng HCV. Không riêng gì ở Olympic London, kể từ năm 1904 đến nay, USC đã cử tổng cộng 418 VĐV đại diện nước Mỹ tranh tài ở Olympic và đoạt 287 huy chương (135 HCV, 87 HCB và 65 HCĐ). Như vậy ở mỗi kỳ Olympic, họ đều đóng góp cho đoàn Mỹ tối thiểu 1 HCV.
Với thành tích đó, USC có thể đứng thứ 16 trên bảng tổng sắp huy chương Olympic từ trước đến nay và xếp hạng 12 nếu chỉ xét về số HCV. Vì vậy, USC còn được người hâm mộ Mỹ gọi là “ngôi nhà của những VĐV Olympic (hoặc những người kiệt xuất)”. Giám đốc điền kinh USC Charles Griffin Cale tự hào nói: “Chúng tôi cực kỳ tự hào vì đã có nhiều đóng góp cho thể thao Mỹ ở các kỳ Olympic”.
Hai VĐV thành công nhất của USC ở Olympic London là nữ kình ngư Rebecca Soni và nữ VĐV điền kinh Allyson Felix. Cả hai đều đoạt được ba huy chương. Trong đó Felix đoạt 3 HCV ở các nội dung chạy: 200m, 4x100m và 4x400m. Soni đoạt 2 HCV ở nội dung 200m bơi ếch, 4x100m bơi hỗn hợp và HCB 100m bơi ếch.
Sự thành công của USC đã trở thành mục tiêu và động lực khiến các trường đại học khác trên khắp nước Mỹ phấn đấu noi theo. Và đến giờ rất nhiều trường đã cung cấp những VĐV thể thao hàng đầu cho Mỹ tranh tài ở các giải thế giới. Chẳng hạn, Trường đại học California, Los Angeles (UCLA) đã đóng góp cho Mỹ 110 HCV, 64 HCB và 65 HCĐ ở các kỳ Olympic.
Không riêng gì Mỹ, đoàn thể thao Anh thành công cũng nhờ thể thao học đường khi có đến 60% trong tổng số 65 huy chương của họ được mang về từ các học sinh, sinh viên.
QUỐC THẮNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận