Phóng to |
Điện thoại iPhone nhái bày trong khu chợ chuyên bán các sản phẩm nhái của Mỹ ở Thượng Hải - Ảnh: AFP |
Báo cáo này là kết quả của cuộc nghiên cứu kéo dài trong 11 tháng của Ủy ban về đánh cắp sở hữu trí tuệ. AFP dẫn báo cáo này cho biết số tiền thiệt hại là 300 tỉ USD, tương đương tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ sang châu Á mỗi năm. Trung Quốc là quốc gia vi phạm sở hữu trí tuệ nhiều nhất, chiếm 50-80% trên tổng thiệt hại của Mỹ, tiếp đến là Nga và Ấn Độ.
Chỉ đích danh Trung Quốc
Báo cáo dài 89 trang này, dựa trên tư liệu hải quan và các số liệu thương mại khác, đã đưa ra những kết luận mạnh mẽ với những lời kết án khá nặng nề, như: “Chính sách công nghiệp quốc gia ở Trung Quốc đặt ra mục tiêu khuyến khích ăn cắp tài sản trí tuệ và hiện có rất nhiều người Trung Quốc đang làm việc trong các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ liên quan đến việc làm này”.
Theo Reuters, báo cáo công bố ngày 22-5 nhằm gây áp lực trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra tại California (Mỹ) vào ngày 7 và 8-6. Theo AFP, cuộc gặp này sẽ đánh dấu mối quan hệ “đầy căng thẳng” giữa Mỹ và Trung Quốc vì liên quan đến nhiều vấn đề thương mại. Ông Jon Huntsman, từng là ứng cử viên tổng thống Mỹ, cho biết: “Tổng thống (Obama) phải thiết lập các ưu tiên cho quan hệ Mỹ - Trung và rõ ràng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phải là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự về kinh tế”. |
Báo cáo cũng nêu rõ những nỗ lực cứu chữa của Mỹ đều vô hiệu khi các thỏa thuận thương mại đạt được đã không thể giải quyết vấn đề này. Trong khi phía Trung Quốc lại “bình chân như vại” trước những yêu cầu của Mỹ và các đối tác thương mại khác.
Báo cáo nhắc nhở chính quyền Mỹ cần đưa ra những biện pháp “mạnh tay” hơn, như phải sàng lọc thái độ của các công ty nước ngoài trước vấn đề sở hữu trí tuệ, chẳng hạn phải đặt các công ty nước ngoài dưới sự kiểm soát chặt chẽ khi đầu tư vào Mỹ, hay “cần áp dụng các hình phạt nhanh và nghiêm khắc hơn đối với nạn trộm cắp tài sản trí tuệ”...
Chắc chắn Mỹ sẽ phải có những phản ứng phù hợp vì thiệt hại từ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn khiến nước Mỹ mất đi 2,1 triệu việc làm.
Ông Dennis Blair, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ, đồng chủ tịch Ủy ban về đánh cắp sở hữu trí tuệ, nói với các nhà báo tại Washington: “Đó là một đòn trừng phạt chết người đối với những công ty đang cố gắng phát triển ra quốc tế”.
Châu Âu tự vệ
Một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của châu Âu khi làm ăn tại Trung Quốc chính là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hay cụ thể hơn chính là sản phẩm, thương hiệu và khách hàng. Theo Euronews, việc này không quá phức tạp nhưng mất thời gian và phải... biết cách làm.
Doanh nghiệp Đức Lauterbach là một ví dụ. Đặt trụ sở tại TP Tô Châu (Trung Quốc), công ty hàng đầu thế giới về công cụ phát hiện lỗi phần mềm dành cho việc thiết kế và sản xuất điện thoại di động cũng là nạn nhân của tình trạng ăn cắp bản quyền.
Năm 2008, sau ba năm đặt chân lên đất Trung Quốc, các lãnh đạo công ty phát hiện không chỉ sản phẩm chính của mình mà cả trang web, thậm chí là danh thiếp cũng bị sao chép và bán trên thị trường sở tại. Thông qua một luật sư, công ty đã ngăn chặn được nạn sao chép nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì đâu lại vào đấy. Tom Meyer - tổng giám đốc Lauterbach chi nhánh Trung Quốc, không vì thế mà nản lòng.
Ông tham gia một khóa huấn luyện từ chương trình IPR SME HelpDesk do Ủy ban châu Âu tổ chức và nhờ đó ông biết mình phải làm gì. Ông nhớ lại: “Khi đó chúng tôi bắt đầu cho đăng ký logo, tên tuổi công ty, rồi kế đến là quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình”. Kết quả là công ty ông đã loại bỏ được đến 95% các sản phẩm sao chép giả mạo đang lưu hành.
Bà Naomi Saunders, giám đốc dự án IPR SME HelpDesk, đưa ra lời khuyên: “Các doanh nghiệp châu Âu cần tiến hành các bước thủ tục liên quan đến thương hiệu của mình trước khi đặt chân đến làm ăn ở Trung Quốc. Điều này là cực kỳ quan trọng để bảo vệ mình”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận