Người dân ở California, Mỹ nhận thực phẩm hỗ trợ từ ngân hàng thực phẩm Food Bank trong dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: Reuters
Bà con Việt Nam ở Mỹ hoang mang vì phần lớn đều đang làm hồ sơ bảo lãnh cho người thân của mình.
Ông Đặng Vũ Nam Phong
Ông Trump dự kiến chính thức ký sắc lệnh này vào ngày 22-4 (giờ Mỹ) và công bố những điều khoản cụ thể hơn. Theo sắc lệnh này, Mỹ sẽ ngưng cấp thẻ thường trú nhân, còn gọi là thẻ xanh, áp dụng cho di dân đang xin loại thẻ này trong 60 ngày.
Có lẽ câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất hiện nay là sắc lệnh này ảnh hưởng thế nào đến người đang xin thẻ xanh trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ?
Chờ xem nội dung cụ thể
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 22-4, ông Đặng Vũ Nam Phong - quản lý của một nhóm chuyên về di trú Mỹ, sống tại Texas - xác nhận thông tin này đang làm xôn xao trong các cộng đồng có người làm hồ sơ di trú định cư.
Với những người có thể bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này, ông Phong cho rằng mọi thông tin từ báo chí hay những nguồn am hiểu về di trú Mỹ tại thời điểm trước khi sắc lệnh được thông qua chỉ mang tính tham khảo. Muốn biết chính xác, cụ thể thế nào phải đợi nội dung sắc lệnh ông Trump công bố. Vì vậy, mọi người đừng vội hoang mang.
Ông Phong cho biết quan điểm cá nhân của ông là nội dung ngưng cấp thẻ xanh, áp dụng cho di dân đang xin loại thẻ này có vẻ vô lý. Nếu sắc lệnh nhằm ngăn những ai đã lấy được visa định cư tạm thời không nhập cảnh vào Mỹ thì hợp lý hơn, vì mục đích của sắc lệnh nhằm ngăn chặn nhập cảnh virus corona chủng mới và bảo vệ nền kinh tế.
Bà Lê Kiều Nhi, Việt kiều am hiểu về Luật di trú đang sống ở quận Cam (California), cho biết nếu có lệnh cấm di trú trong 60 ngày thì cũng "tốt" vì hiện giờ hầu như tất cả các nơi đều có lệnh giãn cách xã hội, ở nhà để phòng bệnh. Nhiều cơ sở nhà nước ở Mỹ đóng cửa. Ngành hàng không hoạt động hạn chế.
Theo bà Nhi, nước Mỹ đang bị khủng hoảng về dịch bệnh và cả về kinh tế do tình trạng thất nghiệp quá cao. Lúc này, chương trình di trú không cần thiết vì ai cũng đang lo bảo vệ sức khỏe để tránh lây lan.
Không nên lo lắng
Bà Nhi cho biết người xin thẻ xanh phải đến Mỹ mới có thể xin được loại thẻ này. Khi ở Mỹ rồi thì họ có thể có "work permit" (giấy phép làm việc) nên có thể đi làm, đi khắp nơi ở Mỹ hợp pháp. Trong trường hợp này, chờ thêm 60 ngày để nhận thẻ xanh không có gì đáng lo vì những người này phần lớn có thân nhân bên cạnh hỗ trợ mình khi cần.
Có một số người đến Mỹ rồi mới đăng ký kết hôn, ở lại và xin thẻ xanh. Với trường hợp này, mặc dù có hộ chiếu hợp pháp, người xin thẻ xanh phải chờ trường hợp của mình được phê duyệt. Nếu ra nước ngoài trong lúc chờ cấp thẻ xanh sẽ phải làm lại thủ tục từ đầu. Do đó, một số người mong muốn có thẻ xanh sớm để có thể được đi ra nước ngoài.
Do hiện nay chưa có quyết định cụ thể của Tổng thống Trump nên các tình huống chỉ mang tính suy đoán. Với người chờ lấy thẻ xanh, kịch bản tốt nhất là chờ thêm 60 ngày. Những ai trong tình huống này không có gì là lo lắng.
Bà Nhi cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ, nếu người bảo lãnh hoặc người chờ thẻ xanh bị mất việc thì cơ hội nhận thẻ xanh có thể gặp vấn đề.
Về cơ bản, một khi đã đến Mỹ rồi, có thẻ xanh hay không vẫn không sao cả. Nếu họ được cơ quan di trú phỏng vấn và được chấp thuận thì xem như là ổn, chỉ phải đợi lâu hơn. Trường hợp chưa được phỏng vấn nhưng visa hết hạn thì phải xin gia hạn. Nếu cả người bảo lãnh lẫn người xin thẻ xanh bị mất việc làm thì cơ hội bảo lãnh cho người kia ở lại sẽ gặp khó khăn.
Trước đây, cơ quan di trú chỉ căn cứ theo hôn nhân thật hay giả để cấp thẻ xanh nhưng dưới thời ông Trump, người bảo lãnh phải có thu nhập theo đúng yêu cầu để đảm bảo cuộc sống cho người kia. Hoặc người xin thẻ xanh cũng cần phải chứng minh họ có thu nhập.
Bà Nhi nhận định: "Nếu đã ở Mỹ, quý vị không cần lo lắm. Nói chung là chúng ta phải chờ vì hiện giờ tình hình bệnh dịch lây lan nhanh quá, chính phủ nước nào cũng đang chóng mặt để lo cho dân mình".
Không ảnh hưởng lao động nông trường?
Theo trang Politico, nguồn tin của họ là 3 đại diện trong các lĩnh vực ngành nghề ở Mỹ cho rằng sắc lệnh cấm nhập cư mới của Tổng thống Trump sẽ không ảnh hưởng tới việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài làm việc tại các nông trường, trang trại. Đây cũng là một trong những nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các đối tượng nhập cư Mỹ lúc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận