Theo Hãng tin Reuters, ngày 23-1 Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của quân đội Mỹ cho biết lực lượng này đã "tái bố trí (các hệ thống phòng không Typhon) trong lòng lãnh thổ Philippines".
Tư lệnh INDOPACOM Matthew Comer cho biết: "Chính phủ Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Philippines trong mọi khía cạnh của việc tái bố trí Hệ thống Phòng không tầm trung (ám chỉ Typhon), bao gồm việc chọn địa điểm".
Ông Comer cũng nhấn mạnh việc tái bố trí hệ thống Typhon không đồng nghĩa việc Washington sẽ để chúng hiện diện thường trực tại Philippines.
Ngay sau đó, một quan chức cấp cao trong chính quyền Manila cũng xác nhận với Reuters về việc cơ động các hệ thống Typhon trên. Cả Mỹ và Philippines chỉ cho biết địa điểm bố trí mới nằm trên đảo Luzon, nhưng từ chối tiết lộ vị trí cụ thể.
Typhon là hệ thống phóng tên lửa tầm trung của Mỹ, với khả năng phóng tên lửa đa mục tiêu với tầm bắn lên đến hàng ngàn kilômet. Hệ thống này là một phần quan trọng trong nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự của Washington ở châu Á.
Vũ khí chính của hệ thống Typhon là tên lửa hành trình Tomahawk, cho phép Mỹ tấn công mục tiêu ở cả Trung Quốc và Nga từ trong lãnh thổ Philippines. Ngoài ra, Typhon còn có thể bắn tên lửa SM-6 chuyên tấn công các mục tiêu trên biển với cự ly trên 200km.
Ban đầu, các hệ thống Typhon được Washington triển khai tại căn cứ không quân Laoag ở phía tây bắc đảo Luzon từ tháng 4-2024, để phục vụ việc diễn tập quân sự.
Tuy nhiên đến tháng 9-2024, Washington lại khẳng định chưa có kế hoạch đưa các hệ thống Typhon ra khỏi Philippines. Điều này nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích của cả Bắc Kinh và Matxcơva rằng Mỹ muốn châm dầu vào một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực.
Giới chức Manila cho biết việc di chuyển các hệ thống Typhon trên nhằm xác định thời gian cơ động và địa điểm có thể cơ động những bệ phóng tên lửa này trên đảo Luzon. Động thái này nhằm đảm bảo việc bảo vệ các hệ thống Typhon trong trường hợp xung đột nổ ra.
Ông Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, khẳng định các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều hệ thống Typhon và trang bị đi kèm đã được chuyển lên một máy bay vận tải C-17 ở sân bay quốc tế Laoag trong vài tuần qua.
Đây chính là sân bay nằm xa về phía bắc nhất của Philippines và gần với đất liền Trung Quốc.
Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về việc di chuyển các hệ thống phòng không trên.
Philippines nghiêm túc xem xét cáo buộc gián điệp
Ngày 23-1, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố sẽ xem xét nghiêm túc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy người nước ngoài hoạt động gián điệp trên lãnh thổ nước này.
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi lực lượng chấp pháp Philippines bắt giữ công dân Trung Quốc Deng Yuanqing với cáo buộc gián điệp.
Các điều tra viên khẳng định ông Deng làm việc cho ĐH Kỹ thuật Lục quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), và đã theo dõi bất hợp pháp các cơ sở quân sự Philippines.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nêu: "Căn cứ chức năng hỗ trợ bảo vệ an ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao luôn nghiêm túc với bất kỳ dấu hiệu hoạt động gián điệp của công dân nước ngoài". Ngoài ra, bộ này cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ công tác điều tra.
Phản đối động thái trên của Manila, ngày 23-1 Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines phát tuyên bố khẳng định mong muốn nước này ngừng "ngừng việc săn đuổi (vô căn cứ) và lan truyền cái gọi là 'gián điệp Trung Quốc'".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận