Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu ở Mogadishu ngày 14-10 - Ảnh: REUTERS
Trong nhiều năm qua, Somalia bị lãng quên giữa vô số chiến dịch chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới.
Vụ đánh bom kép kinh hoàng ngày 14-10 ngay trung tâm Mogadishu, thủ đô Somalia, sẽ hướng sự chú ý của quốc tế trở lại đất nước tan hoang này, ít nhất là trong vài ngày.
Một lịch sử bạo tàn
Al Shabaab - nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan hoành hành ở Somalia, gần như chắc chắn là thủ phạm chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 300 người trong vụ đánh bom ngày thứ Bảy (14-10).
Vụ việc một lần nữa cho thấy Al Shabaab nằm trong số các tổ chức phiến quân mạnh và tàn bạo nhất thế giới.
Cội rễ của Al Shabaab bắt nguồn từ một loạt phong trào hồi sinh Hồi giáo bạo lực (đôi khi hòa hoãn) tại Somalia trong 40 năm qua. Một thập kỷ trở lại đây, tổ chức này đã đánh nhau với đủ các lực lượng, từ địa phương, khu vực cho đến quốc tế; sống sót sau nhiều thất bại chiến lược bằng cách lợi dụng điểm yếu của chính phủ trung ương (của một đất nước tả tơi).
Một lý do khiến Al Shabaab ít thu hút sự chú ý từ Washington, London và các nước phương Tây khác những năm gần đây, đó là nhóm này thanh trừng một cách tàn nhẫn bất cứ ai trong nội bộ muốn tuyên thệ trung thành với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
Cái nghèo và tình trạng tồi tệ trong quản trị đất nước khiến Al Shabaab thu phục thêm nhiều thành viên - Ảnh: AFP
Ngoài ra, Al Shabaab - cái tên mang ý nghĩa "Tuổi trẻ" - không bị xem là quá nguy hiểm ngoài khu vực hoạt động của chúng.
Dù là phân nhánh chính thức của Al Qaeda từ năm 2011, tổ chức này không tham gia các âm mưu khủng bố tại châu Âu và Mỹ. Các thành phần cực đoan hóa từ phương Tây cũng có tham gia Al Shabaab, nhưng ít người trong số này hồi hương, dẫn đến ít nguy cơ cho các nước phương Tây và do đó không được hiện diện trên các cỗ máy truyền thông của phương Tây.
Al Shabaab, tuy nhiên, đã thực chiện một loạt vụ tấn công đẫm máu ở khu vực Đông Phi, chẳng hạn vụ tấn công một trung tâm thương mại cao cấp ở Kenya năm 2013 khiến 67 người thiệt mạng.
Sở dĩ chúng tấn công sang tận Kenya bởi các nước châu Phi lớn trong khu vực, bao gồm Kenya, gánh phần lớn trách nhiệm giữ an ninh ở Somalia. Hơn 20.000 binh lính của Liên minh châu Phi (AU) đã được triển khai tại Somalia.
Đáng tiếc, lực lượng hỗn hợp này bị chỉ trích nhiều hơn là khen, trong đó bao gồm thái độ hống hách, đôi khi là thô bạo đối với cư dân địa phương, nạn tham nhũng và năng lực quân sự yếu kém.
Một loạt các vụ tấn công của Al Shabaab vào căn cứ của AU đã làm xói mòn ý chí chính trị của các quốc gia thành viên trong việc tiếp tục sứ mệnh tại Somalia - đúng theo những gì chúng muốn.
Hiện trường khó tưởng tượng nổi của vụ đánh bom đẫm máu ở Mogadishu ngày 14-10 - Ảnh: REUTERS
Châu Phi - bãi lầy mới cho lính Mỹ?
Nhưng vụ đánh bom mới nhất ở Mogadishu có thể sẽ khiến Mỹ nhúng tay sâu hơn vào Somalia.
Đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhận định Somalia là "khu vực hoạt động thù địch", trao quyền lớn hơn cho các chỉ huy quân sự thực hiện các trận không kích, mở rộng phạm vi mục tiêu tấn công và nới lỏng các biện pháp ngăn chặn thương vong đối với dân thường.
Và lần đầu tiên kể từ năm 1994, ông Trump cũng cho phép triển khai các lực lượng Mỹ thường trực ở Somalia.
Mỹ rút khỏi Somalia sau Trận chiến Mogadishu, một phần của Chiến dịch Gothic Serpent, năm 1993. Nổi tiếng hơn dưới cái tên "Black Hawk Down", trong trận chiến này, hai chiếc trực thăng Black Hawk hiện đại của quân đội Mỹ bị phiến quân Somalia bắn hạ, sau đó chúng kéo lê thi thể của nhóm lính Mỹ trên đường phố để thị uy. Vụ việc sau đó thậm chí còn được đạo diễn lừng danh Ridley Scott làm lại phát hành năm 2001 và đoạt đến 2 giải Oscar 2002.
Tháng 5 vừa qua, một lính đặc nhiệm Mỹ đã hy sinh trong một trận đọ súng với lực lượng Al Shabaab. Đây là tổn thất về người đầu tiên của Mỹ tại Somalia kể từ sau vụ Black Hawk.
Nhìn chung, chiến lược châu Phi mới của Mỹ hiện nay là can dự nhiều hơn, do đó Somalia không phải trường hợp đặc biệt. Đầu tháng này, 4 quân nhân Mỹ bị giết cũng do đọ súng với phiến quân ở quốc gia tây Phi Niger.
Tuy nhiên, bất cứ nỗ lực trấn áp phiến quân nào ở Somalia (của Mỹ) được dự báo sẽ đối mặt với các thách thức, khó khăn giống với chiến trường Iraq và Afghanistan.
Somalia hiện đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm. Thiên tai, chiến tranh và nền quản lý kém là một sự kết hợp hết sức tồi tệ đối với dân chúng.
Sự kiểm soát của Al Shabaab đối với người dân các khu vực nông thôn miền nam và trung Somalia lớn đến mức chúng có thể ra lệnh cấm hoạt động viện trợ nhân đạo tại các khu vực này, buộc hàng trăm ngàn người phải chọn giữa chết vì đói, bệnh tật, hoặc là bị trừng phạt tàn nhẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận