Bà Ngô Khải Địch, cựu thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc, phát biểu tại lễ khai trương Viện Khổng Tử ở Đại học Kansas của Mỹ hồi năm 2006. Đại học này gần đây đã ngừng hợp tác với Viện Khổng Tử - Ảnh: AP
Ông cáo buộc các viện này đang tuyển "gián điệp và cộng tác viên" tại các trường đại học ở Mỹ. Song, không chỉ có Mỹ lo ngại về Viện Khổng Tử - vốn được xem như một công cụ giúp Trung Quốc tăng "sức mạnh mềm".
Nghi ngờ chính trị đội lốt học thuật
Viện Khổng Tử vốn tự xem họ là một tổ chức phi lợi nhuận được lập ra nhằm đưa ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc đi xa hơn. Họ tổ chức nhiều lớp học từ thư pháp, nấu ăn cho tới môn võ thái cực quyền.
Theo cập nhật của Hiệp hội Các học giả quốc gia (NAS) ở Mỹ, tính đến ngày 26-8-2020, trên nước Mỹ còn tổng cộng 67 Viện Khổng Tử. Con số này đã bao gồm 4 viện dự kiến đóng cửa sắp tới tại Trường CĐ Cộng đồng Denver, ĐH Oklahoma, ĐH North Carolina tại Charlotte và ĐH Emory. Đó là chưa kể khoảng 500 "lớp học Khổng Tử" tại các trường từ mẫu giáo tới lớp 12.
Đối với nhiều sinh viên Mỹ, Viện Khổng Tử là nơi giúp ích trong việc học tiếng Trung Quốc, nhưng giới chỉ trích cho rằng câu chuyện không dừng lại như vậy. Những năm gần đây, người Mỹ đã tranh luận liệu các giáo viên tại Viện Khổng Tử và những tài liệu của họ có phục vụ chiến dịch tuyên truyền chính trị của Bắc Kinh hay không.
Giữa tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có một bước đi đáng chú ý khi xem Trung tâm Viện Khổng Tử ở Mỹ (CIUS) - nơi quản lý các Viện Khổng Tử trên khắp nước Mỹ - là một "phái bộ nước ngoài" của Chính phủ Trung Quốc, điều mà chỉ thường áp dụng với các cơ quan tham gia hoạt động ngoại giao và lãnh sự.
Ngoại trưởng Pompeo nói CIUS là "một thực thể thúc đẩy chiến dịch gây ảnh hưởng thâm hiểm và tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh" tại các trường của Mỹ. Phía CIUS đã không đồng tình với việc bị xem là "phái bộ nước ngoài". Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ "đang bêu xấu hoạt động bình thường của một dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ".
"Con ngựa thành Troy" của Trung Quốc?
Khoảng vài ngày sau khi Mỹ coi Viện Khổng Tử là "phái bộ nước ngoài", hôm 13-8 tạp chí nổi tiếng Foreign Policy của Mỹ đăng một bài viết có nội dung: "Đã đến lúc các đại học phương Tây đóng các Viện Khổng Tử và chấm dứt hợp tác học thuật với Trung Quốc". Tạp chí này hồi năm 2017 cũng từng cho rằng việc các đại học Mỹ chào đón các Viện Khổng Tử là chào đón "con ngựa thành Troy" của Trung Quốc.
Theo Hãng tin Bloomberg, không giống Viện Goethe của Đức hay tổ chức Alliance Française của Pháp, Viện Khổng Tử của Trung Quốc không hoạt động độc lập và gây nhiều tranh cãi tại nhiều nước như Úc, Canada, Anh chứ không chỉ riêng Mỹ.
Một báo cáo năm 2018 về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, được Viện Hoover và tổ chức Asia Society ở Mỹ thực hiện, đã cung cấp nhiều chi tiết về Viện Khổng Tử. Báo cáo này cáo buộc Hanban - tổ chức ở Bắc Kinh giám sát các Viện Khổng Tử và nằm dưới Bộ Giáo dục Trung Quốc - có mối liên hệ với chính quyền Bắc Kinh và Hanban thường tài trợ cho các trường đại học, trung học ở Mỹ hàng trăm nghìn đôla.
"Rắc rối nhất là hai điều khoản trong các hợp đồng của Hanban với các trường của Mỹ: Thứ nhất là cấm các Viện Khổng Tử có bất kỳ hoạt động nào trái với luật Trung Quốc, và thứ hai là yêu cầu giữ bí mật hợp đồng, khiến việc giám sát của cộng đồng học thuật trở nên khó khăn" - báo cáo nêu.
Một cuộc điều tra hồi năm 2019 của Thượng viện Mỹ cũng cho thấy các giáo viên Trung Quốc làm việc tại những viện này sẽ bị chấm dứt hợp đồng nếu họ "vi phạm luật Trung Quốc" hoặc "tham gia các hoạt động gây hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc". Viện Khổng Tử cũng từng bị cáo buộc gây áp lực lên các trường đại học phải im lặng hoặc kiểm duyệt các chủ đề mà Trung Quốc coi là nhạy cảm.
Nỗi lo về các nguy cơ liên quan Viện Khổng Tử cũng lan sang nhiều nước châu Á. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, hiện là ứng cử viên sáng giá nhất kế nhiệm Thủ tướng Abe Shinzo, cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ giám sát chặt hơn 15 cơ sở như vậy tại các trường đại học ở nước này, gồm ĐH Waseda nổi tiếng ở Tokyo.
Nếu quả thật tất cả Viện Khổng Tử phải rời khỏi Mỹ, đây là cú sốc còn lớn hơn với các viện này cũng như Bắc Kinh sau khoảng 15 năm dày công xây dựng. Đó là chưa kể khả năng các đồng minh và đối tác của Washington nối gót "nghỉ chơi" với các viện này.
548
Viện Khổng Tử ở nước ngoài bắt đầu được thành lập từ năm 2004 và viện đầu tiên mở ở Seoul, Hàn Quốc trong cùng năm. Tính tới cuối năm 2018, có tổng cộng 548 Viện Khổng Tử, 1.193 lớp học Khổng Tử tại các trường tiểu học và trung học, và 5.665 địa điểm dạy học liên quan được lập ra ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo báo China Daily.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận