Các tay súng người Kurd ở Iraq tấn công trong một cuộc đụng độ với IS - Ảnh: Reuters |
Theo báo New York Times, tài liệu rò rỉ từ Nhà Trắng cho biết giai đoạn đầu của chiến dịch đã bắt đầu với gần 145 đợt không kích các mục tiêu IS ở Iraq trong một tháng qua. Những đợt không kích dữ dội của Mỹ đã chặn đà tiến công của IS ở miền bắc và tây Iraq.
Giai đoạn hai sẽ bắt đầu sau khi Iraq lập chính phủ hòa hợp dân tộc, dự kiến ngay trong tuần này. Quân đội Mỹ sẽ tăng cường huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân đội Iraq, dân quân người Kurd và cả các bộ tộc Sunni.
Phần khó nhất và gây tranh cãi nhất là tấn công các mục tiêu IS ở Syria. Các nhà hoạch định chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ xác định chiến dịch quân sự tiêu diệt IS phải kéo dài trong vòng 36 tháng, nghĩa là sang tới đời tổng thống sau của Mỹ.
Ngày 10-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ công bố chiến lược này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington có đủ sức mạnh để tiêu diệt IS. Ông Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ sớm đến Trung Đông để kêu gọi sự ủng hộ của các nước khu vực.
Tại sao công dân nước ngoài gia nhập IS?
Giới chuyên gia quân sự đang đặt câu hỏi tại sao IS có thể thu hút được nhiều công dân nước ngoài đến thế. Báo The Economist dẫn lời một số nhà phân tích tình báo cho biết IS đã mở chiến dịch quảng bá dữ dội trên mạng Internet để lôi kéo những thanh niên trẻ phương Tây gốc Hồi giáo đang chán nản, vỡ mộng.
IS mô tả tổ chức là một môi trường linh hoạt đối với các thanh niên, nơi họ có quyền lựa chọn cách sống, cách chiến đấu. Ví dụ một thành viên IS hoàn toàn có quyền không đồng ý với cấp trên về việc thực thi chiến dịch.
“Không ai bị ép phải chiến đấu. Nếu muốn bạn có thể lùi lại phía sau, đảm nhận nhiệm vụ vệ sĩ” - thông điệp của IS trên mạng viết.
Các thành viên IS trên mạng khẳng định nếu buồn chán, các tay súng IS có thể dành thời gian cho gia đình, lấy vợ, dạy dỗ con cái… IS còn vẽ ra viễn cảnh các thành viên của nhóm này có thể chơi bi-da, bơi lội trong hồ… trong lúc rảnh rỗi như thể đi nghỉ hè.
Nhà phân tích Raffaello Pantucci thuộc tổ chức nghiên cứu Anh RUSI, nhận định thông điệp đó có sức hút lớn đối với các thanh niên trẻ gốc Hồi giáo thất nghiệp hoặc không có cơ hội vươn lên trong cuộc sống ở châu Âu.
Một số chuyên gia tình báo khác cho biết nhiều người phương Tây gia nhập IS vì là lính đánh thuê chuyên nghiệp, sang Syria hoặc Iraq chiến đấu vì tiền.
Mối đe dọa bị thổi phồng?
Cả thế giới đang lo ngại về mối đe dọa IS. Tuy nhiên trên CNN, nhà phân tích an ninh Peter Bergen cho rằng mối đe dọa IS đối với Mỹ đang bị thổi phồng lên so với thực tế. Ví dụ, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel khẳng định khoảng 100 công dân Mỹ đang chiến đấu cho IS.
Nhưng sau đó Lầu Năm Góc sửa lại rằng thực tế 100 công dân Mỹ là thành viên của nhiều nhóm nổi dậy tại Iraq, trong đó có IS. Tuần trước báo Washington Times thậm chí dẫn nguồn từ chính phủ cho rằng có tới 300 người Mỹ là thành viên IS.
Ông Bergen cho rằng việc các công dân Mỹ trở thành thành viên IS không có nghĩa là họ sẽ trở về Mỹ đánh bom khủng bố. Ví dụ có 29 công dân Mỹ đi ra nước ngoài gia nhập nhóm khủng bố Somalia al-Shabaab, có quan hệ với al-Qaeda. Nhưng không một kẻ nào trở về Mỹ và nhiều người trong số đó đã chết.
Sáu bị bắt khi đi đến các nước phương Tây, hai bị tóm ở Đông Phi. Chuyên gia Bergen cho rằng tình báo và an ninh Mỹ luôn phải chú ý tới mối đe dọa từ các công dân Mỹ trở thành thành viên IS, nhưng không nên vì thế mà thổi phồng mối đe dọa đối với nước Mỹ.
“Như trường hợp Somalia, nhiều khả năng Syria sẽ trở thành mồ chôn người Mỹ chiến đấu tại đây thay vì trở về Mỹ để tấn công khủng bố” - ông Bergen nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận