Các quan chức phụ trách tài chính, thương mại Mỹ nói chuyện với nhau trước khi ông Trump ký lệnh áp thuế với nhôm, thép nhập khẩu tháng 3 năm nay - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo báo Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (SCMP), những quy định hạn chế mới này được đề nghị với lý do nhằm tăng cường đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời ngăn chặn tình trạng đánh cắp bản quyền công nghệ mà lâu nay chính quyền Mỹ vẫn thường cáo buộc .
Trong thông tin đăng tải trên tạp chí Federal Register đầu tuần này, Bộ Thương mại Mỹ xác định rõ 14 hạng mục công nghệ mới (trong đó có công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (hướng nghiên cứu trong AI), công nghệ phân tích dữ liệu và công nghệ robot) sẽ thuộc nhóm lĩnh vực bị hạn chế tiếp nhận vốn đầu tư từ các thực thể nước ngoài.
Ông Richard Matheny III, luật sư của hãng luật Goodwin Procter tại Washington, nhận định: "Bộ quy tắc đề xuất này có khả năng là một thay đổi lớn trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ".
"Chẳng hạn nhiều hãng công nghệ sinh học, trước đây chưa từng bị chi phối bởi những yêu cầu kiểm soát này sẽ cần cân nhắc, tính toán về những hạn chế, trong đó bao gồm thời điểm tiếp nhận các khoản đầu tư, hợp tác với các cá nhân không phải người Mỹ trong phát triển công nghệ và xuất khẩu sản phẩm", ông Richard Matheny III tiếp tục.
Thời gian qua chính quyền của tổng thống Trump liên tục lặp lại quan điểm kêu gọi phía Trung Quốc thay đổi "những cách thức giao thương không công bằng" của họ, trong đó có việc mà ông Trump gọi là việc đánh cắp công nghệ Mỹ với chiêu thức quen thuộc là thông qua các thương vụ sát nhập hoặc thâu tóm các công ty Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc.
Những lo ngại về nạn trộm cắp bản quyền công nghệ của Mỹ là một trong những nguyên nhân chính phát động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung từ tháng 7 năm nay, khiến hai bên liên tục áp thuế bổ sung trả đũa với hàng hóa của nhau.
Cũng theo SCMP, những hạng mục công nghệ là đối tượng nhắm tới của bộ quy tắc mới do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất cũng chính là các lĩnh vực chủ chốt nằm trong kế hoạch Bắc Kinh muốn giảm lệ thuộc vào Mỹ.
Bắc Kinh đã và đang triển khai tham vọng "Made in China 2025", một kế hoạch tầm quốc gia khởi động từ năm 2015 với mục tiêu biến Trung Quốc trở thành quốc gia vượt trội trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao trên phạm vi toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận