Vừa đặt chân tới Ghana - điểm đến đầu tiên hôm 26-3, nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ đã khẳng định: "Mỹ sẽ tăng cường đầu tư cho châu Phi để giúp khu vực này tăng trưởng kinh tế".
Washington muốn chứng minh "nói thật, làm thật". Nhưng lần này bối cảnh đã có khác, rất khác nên Mỹ cũng phải điều chỉnh cách tiếp cận, như chính bà Harris tuyên bố trước chuyến đi: "Chúng tôi sẽ thể hiện không phải bởi những gì chúng tôi có thể làm cho châu Phi mà là những gì chúng tôi có thể làm với châu Phi".
Những lá phiếu châu Phi ủng hộ Nga ở Liên Hiệp Quốc
Có thể nói lục địa đen đã bị bỏ quên nặng nề dưới trào tổng thống Donald Trump và đó là cơ hội để Nga và Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.
Hiện Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, là đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của châu Phi với 254 tỉ USD trong năm 2021, gấp bốn lần thương mại Mỹ - châu Phi.
Thậm chí khi ít quốc gia châu Phi đã chuyển từ hy vọng sang thất vọng sau khi ông Barack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ năm 2008.
Ông Daniel Russel - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện đang làm việc tại Viện Chính sách xã hội châu Á, bình luận: châu Phi đã từng rất quen thuộc trong những lời hứa của người Mỹ nhưng rồi thực tế diễn ra không như mong đợi.
Đó là sự tương phản rõ rệt với Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu về các dự án cơ sở hạ tầng sâu rộng và mở rộng hoạt động viễn thông ở châu Phi.
Tổng thống Joe Biden đang sửa chữa sai lầm đó. Vào tháng 12 năm ngoái, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi, Washington đã cam kết tài trợ 55 tỉ USD cho châu Phi trong ba năm.
Nhưng chỉ một tuần ngay trước chuyến đi của bà Harris, Matxcơva "gây áp lực" với món quà xóa nợ cho châu Phi.
Ngày 20-3, phát biểu tại Hội nghị Nghị viện quốc tế Nga - châu Phi lần thứ 2, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã xóa khoản nợ lên tới 20 tỉ USD cho các quốc gia châu Phi, theo Hãng thông tấn TASS.
Người đứng đầu Điện Kremlin còn khẳng định: "Kim ngạch thương mại song phương giữa Nga và châu Phi đang tăng lên hằng năm, đạt gần 18 tỉ USD vào cuối năm ngoái".
Ông tin rằng dư địa làm ăn còn nhiều nếu hai bên thanh toán tài chính bằng nội tệ và nhờ việc thiết lập các chuỗi vận chuyển và hậu cần mới.
Trước các phái đoàn tới từ khoảng 40 quốc gia châu Phi, trong đó có hơn 200 nghị sĩ thuộc nhiều cấp bậc khác nhau, ông Putin dự đoán châu Phi sẽ trở thành một trong những lãnh đạo của một trật tự thế giới mới và Nga sẽ tiếp tục ưu tiên hợp tác với các nước châu Phi.
Thật ra trong một thời gian dài gần đây, Mỹ và phương Tây có ý bỏ rơi châu Phi khi xem khu vực này là vùng đất nhiều vấn đề hơn là nhiều cơ hội, với những cuộc xáo trộn chính trị liên tục.
Thế rồi cuộc chiến tại Ukraine đã làm thay đổi cách nhìn với những lá phiếu biểu quyết ở Liên Hiệp Quốc. Những nghị quyết lên án Nga cho thấy châu Phi đã bị phân chia.
Bà Harris phải "biến nguy thành cơ" ở châu Phi
Sự hiện diện của bà Kamala Harris tại các nước châu Phi là một phần trong cam kết của Tổng thống Joe Biden về sự "dấn thân vào châu Phi". Người đứng đầu Nhà Trắng cũng dự kiến đến thăm lục địa này vào cuối năm nay.
Theo các quan chức chính quyền Mỹ, chuyến đi cũng mang dấu ấn cá nhân của bà Kamala, với việc bà đến thăm thủ đô Lusaka của Zambia, nơi bà từng đến khi còn nhỏ.
Ông của bà, vốn là một công chức ở Ấn Độ, từng làm việc về các vấn đề tái định cư cho người tị nạn ở quốc gia này.
Nữ phó tổng thống da màu cũng sẽ tham quan Lâu đài nô lệ Cape Coast ở Ghana, phát biểu về sự tàn bạo của chế độ nô lệ cũng như cộng đồng người châu Phi.
Người dân châu Phi có thể thích thú khi tiếp đón nữ phó tổng thống da màu của Mỹ nhưng lần này ắt hẳn họ sẽ chờ đón với sự cẩn trọng và hoài nghi.
Ghana, Tanzania và Zambia - ba quốc gia nằm trong chương trình viếng thăm của bà Kamala đều là những quốc gia đang gặp khủng hoảng kinh tế thật sự, bị bầm giập sau đại dịch COVID-19 rồi là những ảnh hưởng từ chiến cuộc Nga - Ukraine.
Ghana và Zambia đều đang phải thương thuyết với Bắc Kinh để tái cấu trúc nợ.
Và Mỹ muốn nhân cơ hội này chứng minh với châu Phi rằng mình đến không trong vai trò chủ nợ cho vay nặng lãi mà là đối tác giúp hồi phục châu Phi.
Một quan chức cấp cao của Mỹ không giấu giếm với Hãng tin AFP: "Rõ ràng là chúng tôi đã bước vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, chắc chắn là cạnh tranh về lâu dài".
Ông này khẳng định Washington sẽ không đi theo cung cách của Bắc Kinh là tung tiền ra cho vay để rồi thao túng con nợ.
"Mối quan hệ của chúng tôi với châu Phi không thể và cũng không nên bị nhìn theo góc cạnh đơn thuần là cạnh tranh với Trung Quốc", vị này nêu quan điểm và khẳng định Mỹ có chương trình tích cực ở châu Phi đặt trên tính minh bạch và đối tác công - tư.
Trong khi đó, tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng nói rằng những chuyến thăm châu Phi hướng tới việc hình thành các mối quan hệ hơn là chống lại ảnh hưởng của các quốc gia khác.
Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi không yêu cầu các đối tác của mình ở châu Phi lựa chọn. Chúng tôi muốn mở rộng các lựa chọn của châu Phi chứ không phải giới hạn chúng”.
Đương nhiên giờ đây một châu Phi đang khó khăn sau đại dịch sẽ chọn thái độ "chờ xem" Mỹ làm được gì...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận