Ông Macron hôn tay đệ nhất phu nhân Melania Trump sau bài diễn văn tại vườn Nhà Trắng ngày 24-4, sau đó ông đến hôn tay bà Brigitte Macron - vợ ông - Ảnh: AFP
Không bao lâu sau khi hai nguyên thủ quốc gia Pháp và Mỹ thông báo muốn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran mới, phản ứng từ các bên liên quan chứng tỏ thỏa thuận này sẽ vẫn tiếp tục rơi vào tình cảnh "hai con dê đi qua cầu".
Hôm 25-4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã hỏi vặn: "Các ông muốn quyết định tương lai của thỏa thuận à? Vậy trước tiên các ông phải giải thích cho chúng tôi các ông làm gì".
Phát biểu của Nga tương tự như Iran. Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ giữ nguyên thỏa thuận trong tình trạng hiện tại… Thỏa thuận hiện nay là kết quả nỗ lực ngoại giao của nhiều quốc gia".
Bốn trụ cột hình thành thỏa thuận mới
Thỏa thuận về hạt nhân Iran (với tên gọi là "Kế hoạch hành động chung toàn diện") được nhóm 5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) và EU ký kết với Iran ngày 14-7-2015 sau hơn 10 năm nhọc công đàm phán.
Hôm 24-4, tức ngày thứ hai trong chuyến công du đến Mỹ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Donald Trump và ông Macron thông báo mong muốn cùng Iran xây dựng một thỏa thuận hạt nhân Iran mới bao quát hơn, bàn đến mọi vấn đề trong khu vực, nhất là vấn đề Syria.
Theo quyết định của Quốc hội Mỹ, cứ mỗi 90 ngày ông Trump phải thông báo đánh giá Iran có thực hiện tốt thỏa thuận năm 2015 hay không. Ngày 12-5 tới là đến thời hạn mới trong khi ông Trump luôn hăm dọa hủy bỏ một thỏa thuận mà ông luôn chỉ trích gay gắt từ khi ra tranh cử.
Như xác nhận của ông Christopher Ford - đặc phái viên Mỹ về không phổ biến vũ khí hạt nhân, thật ra tổng thống Pháp không đề nghị hủy bỏ thỏa thuận năm 2015 hay đàm phán lại thỏa thuận. Ông chỉ muốn ký thêm các thỏa thuận phụ bổ sung cho thỏa thuận năm 2015.
Các thỏa thuận bổ sung dựa tên bốn trụ cột: Duy trì lệnh cấm làm giàu uranium đến năm 2025 như thỏa thuận năm 2015, bảo đảm Iran không nối lại chương trình hạt nhân sau mốc năm 2025, Iran phải chấm dứt hoạt động đạn đạo trong khu vực, thiết lập các điều kiện về một giải pháp chính trị đối với vai trò của Iran trong khu vực, ở Yemen, Syria, Iraq và Libăng.
Cử chỉ thân thiện của ông Trump đối với Tổng thống Macron - Ảnh: EPA
“Chúng tôi không hủy bỏ một thỏa thuận để đi đến bất cứ phương nào mà chúng tôi chỉ muốn xây dựng một thỏa thuận mới bao quát hơn”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ngày 24-4
Ai cũng muốn giữ như cũ
Ông Macron có thể duy trì được thỏa thuận hạt nhân Iran hay không? Báo chí quốc tế nhận định còn quá sớm để đánh giá kết quả.
Về phía Mỹ, dù đây là lần đầu tiên ông Trump không đóng sập cánh cửa thương lượng nhưng ông lại là con người rất khó đoán định, bởi thế khó biết tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ "đi đâu về đâu".
Đến ngày 12-5 tới, ông Trump có thể sẽ đưa ra một cử chỉ nào đó, sau đó Iran phản bác và ông Trump vin vào đó để tiếp tục trừng phạt Iran.
Ngoài ra, cũng có thể thông báo về đàm phán một thỏa thuận hạt nhân Iran mới hôm 24-4 của hai tổng thống Mỹ và Pháp chỉ là cử chỉ vuốt ve của Mỹ để chứng tỏ chuyến công du Mỹ của "bạn hiền" Macron đạt được kết quả chứ chẳng lẽ "đi không về không".
Về phía các bên liên quan, rõ ràng Tehran và Matxcơva không đồng tình tiếp tục mở các cuộc đàm phán mới về thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp Mỹ hăm he tiếp tục cấm vận.
Ngày 23-4, Tổng thống Donald Trump và phu nhân cùng Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân trồng cây sồi trong vườn Nhà Trắng. Cây sồi là quà tặng của tổng thống Pháp được lấy từ rừng Belleau, nơi hơn 2.000 quân Mỹ đã bỏ mình trong Chiến tranh thế giới thứ nhất - Ảnh: STEVE HOLLAND
Giả định nếu có đàm phán, kết quả khó có thể thành công bởi các chủ đề đàm phán quá bao quát và liên quan đến nhiều bên. Một ví dụ cho thấy cho dù cộng đồng quốc tế mong muốn kết thúc nhưng chiến sự ở Syria và ở Yemen vẫn kéo dài.
Cao ủy châu Âu về đối ngoại, bà Federica Mogherini không bác bỏ đề xuất đàm phán một thỏa thuận mới nhưng bà vẫn chú trọng duy trì thỏa thuận đã ký.
Bà khẳng định: "Có một thỏa thuận đang tồn tại, thỏa thuận này đang được thực hiện, vậy phải duy trì". Bà nhấn mạnh "nếu có vấn đề bổ sung thêm thì cũng đừng đụng đến thỏa thuận Tehran đang thực hiện".
Khi Pháp đưa ra đề nghị về đàm phán một thỏa thuận hạt nhân Iran mới, có vẻ như Pháp chưa trao đổi trước với các đồng minh châu Âu.
Bộ Ngoại giao Đức thì tuyên bố ưu tiên hiện nay vẫn là duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Bằng như phải nghiên cứu một đề xuất thay thế, Đức cho rằng cần phải xem xét Iran đã sẵn sàng tham gia tiến trình đàm phán hay chưa. Song giải pháp đàm phán lại là giải pháp đến giờ nay Tehran đã loại trừ.
“Không thể thương lượng lại thỏa thuận…, nhưng rõ ràng ngoài thỏa thuận, chúng tôi muốn chắc chắn rằng chương trình hạt nhân Iran chỉ đây được mục tiêu thuần túy hòa bình”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức
Pháp muốn Iran chấm dứt hoạt động đạn đạo. Trong ảnh là hình ảnh Iran thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Khorramshahr mang nhiều đầu đạn hạt nhân đạt tầm bắn 2.000 km - Ảnh: voiceofwadi.com
Nói tóm lại, thông báo Pháp-Mỹ hôm 24-4 về đàm phán một thỏa thuận hạt nhân Iran mới mang tính chất hết sức mơ hồ bởi ông Trump không cam kết gì cả.
Trên thực tế từ nhiều tháng nay, Pháp, Anh và Đức đã đàm phán các văn kiện bổ sung cho thỏa thuận năm 2015.
Nếu ông Trump không muốn hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran trong tuyên bố ngày 12-5 tới, ông có thể vin vào cái cớ này. Đây sẽ là lối thoát danh dự cho ông. Bằng như ông vẫn giữ lập luận cũ, xem ra chuyến du thuyết của Tổng thống Macron đã trở nên công cốc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận