17/11/2016 13:52 GMT+7

Mỹ phẩm Nhật đua vào VN

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Nhều thương hiệu mỹ phẩm Nhật đã quyết định bước vào thị trường VN, tìm kiếm các nhà phân phối chính thức.

Một bạn trẻ lựa chọn mỹ phẩm tại trung tâm thương mại Takashimaya (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Thuận

Theo các doanh nghiệp hoạt động trong ngành mỹ phẩm, thị trường VN thời gian gần đây đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều thương hiệu, mặt hàng mỹ phẩm, công nghệ phục vụ ngành làm đẹp. Ước tính có khoảng 100 nhãn hiệu mỹ phẩm tại VN và 90% là nhập khẩu.

Hàng chính hãng cạnh tranh hàng xách tay

Ông Nguyễn Thời Hồ Nhật, chủ hệ thống chuyên kinh doanh hàng Nhật Bản Hachi Hachi, cho biết tăng trưởng tiêu thụ các ngành hàng tiêu dùng Nhật tại hệ thống rất khả quan. Người tiêu dùng VN đã quen dần với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, thế nhưng với hàng mỹ phẩm, tình hình kinh doanh lại khó khăn hơn.

Từng dành nhiều diện tích trưng bày mỹ phẩm Nhật, nhưng Hachi Hachi đã quyết định thay đổi chiến lược, không tập trung quá nhiều cho ngành hàng này vì không thể cạnh tranh được với hàng xách tay, hàng online nở rộ trên thị trường.

“Mỹ phẩm xách tay đa dạng, giá lại cạnh tranh nhưng yếu tố khiến kinh doanh mỹ phẩm trở nên khó khăn là do giấy phép, điều kiện kinh doanh mặt hàng này khá phức tạp, trong khi đó nhiều thương hiệu lớn của Nhật lại chưa vào VN” - ông Nhật cho biết thêm.

Ông Thanh Thịnh, giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng tiêu dùng nhập khẩu tại Q.Tân Bình (TP.HCM), cũng cho biết ngay những thương hiệu đã hiện diện ở VN, không phải dòng sản phẩm nào phía Nhật cũng đưa vào, mà rất chọn lọc.

Chẳng hạn thương hiệu mỹ phẩm S. chỉ phát triển dòng sản phẩm trang điểm tại thị trường VN, riêng dòng chăm sóc da giá bình dân lại không giới thiệu đến người dùng VN vì sợ hàng giả, hàng xách tay. “Nhưng thị trường đã chứng minh những thương hiệu nào đầu tư bài bản ở VN sẽ loại bỏ được hàng xách tay, hàng trôi nổi” - ông Thịnh nói.

Vì vậy, thông tin khoảng 10 thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu Nhật Bản đến VN tìm đại lý, đối tác chính thức cho thấy thị trường VN đang thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản. Kosé là một trong những thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản đang xúc tiến đẩy mạnh hiện diện tại thị trường VN.

Theo đại diện thương hiệu mỹ phẩm Nhật, người tiêu dùng hàng chính hãng sẽ được bảo đảm chất lượng như giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm của Bộ Y tế, tem chống hàng giả của Bộ Công an, ngoài ra được chăm sóc, tư vấn hướng dẫn sử dụng... - điều mà mỹ phẩm xách tay không thể nào có được.

Được thành lập từ năm 1946, bình quân doanh thu toàn cầu của Kosé đạt hơn 2,1 tỉ USD với sự hiện diện trên 18 quốc gia, dù có mặt tại VN đã lâu nhưng Kosé vẫn muốn gia tăng sự hiện diện của mình. Trong khi đó, đại diện Công ty Nippon Menard Cosmetic Co., Ltd, sở hữu thương hiệu Menard, cho biết hoàn toàn tự tin về sản phẩm để giới thiệu với người tiêu dùng VN và mong muốn tìm những đối tác tốt để có thể tiếp cận người tiêu dùng VN nhiều hơn.

Thị trường tiềm năng

Theo khảo sát của Nielsen, doanh thu của thị trường mỹ phẩm VN hiện đã hơn 15.000 tỉ đồng/năm, trong đó mức chi của người tiêu dùng dành cho sản phẩm mỹ phẩm còn khiêm tốn, chỉ đạt 4 USD/người/năm. Nếu so với 20 USD của Thái Lan hay 40 USD của Hàn Quốc, tiềm năng để khai thác thị trường VN còn rất lớn.

Các doanh nghiệp cho rằng sự tăng trưởng hai con số của ngành công nghiệp làm đẹp tại VN thời gian gần đây đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường một cách chính thức, chứ không còn thăm dò, e dè như trước. Thậm chí, một số doanh nghiệp VN là nhà sản xuất cũng bắt đầu chuyển sang hoặc lấn sân vào mảng phân phối.

Đại diện Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM cũng cho rằng với dân số VN gần 90 triệu, trong đó một nửa là phụ nữ có mong muốn làm đẹp hơn khi thu nhập được cải thiện, sẵn sàng dành nhiều ngân sách cho làm đẹp, chăm sóc cơ thể. Ngoài ra, sự mở rộng của dòng mỹ phẩm cao cấp trong các trung tâm thương mại và cửa hàng thu hút những người tiêu dùng có thu nhập cao.

Một yếu tố khác thúc đẩy các doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài vào VN là nhiều hiệp định thương mại tự do VN đã ký kết đưa mức thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu về mức 0% - 5%, trong đó có mỹ phẩm. Đây chính là điều kiện để các nước trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia... đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường VN.

Bà Hoàng Kim Phượng, giám đốc VF Franchise Consulting, cho biết cách đây nhiều năm, các thương hiệu làm đẹp lớn trên thế giới vẫn còn ngần ngại vào thị trường VN do e dè sức mua, tuy nhiên hiện nay rất nhiều thương hiệu đã hiện diện ở đây để phân chia thị trường do khả năng chi trả của người Việt cao lên rất nhiều.

Cũng theo đại diện Jetro, người tiêu dùng VN chú trọng đến sức khỏe nên có xu hướng lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội kinh doanh tại thị trường VN, doanh nghiệp Nhật Bản tập trung vào yếu tố chất lượng sản phẩm hơn là giá thành rẻ.

Vẫn có mỹ phẩm nhập giá bình dân

Khi nhắc đến hàng Nhật Bản, nhiều người tiêu dùng thường gắn với hàng cao cấp, đắt đỏ. Thực tế không phải vậy, mỹ phẩm Nhật đã có thể đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn ở thị phần trung cấp và các thị trường nhỏ lẻ với những sản phẩm ngày càng phong phú hơn.

Những mặt hàng có mức giá phải chăng đang xuất hiện bên cạnh những sản phẩm cao cấp tại các siêu thị hiện nay. Người tiêu dùng dễ tìm thấy nhiều sản phẩm dòng trang điểm với giá chỉ vài chục ngàn đến hơn 200.000 đồng trong các cửa hàng, siêu thị Nhật.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp