Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un rảo bước trước tên lửa Hwasong-17 trước vụ bắn thử ngày 24-3 - Ảnh: REUTERS
Trong vụ thử ngày 24-3, tên lửa Hwasong-17 đã bay cao hơn và xa hơn bất kỳ ICBM nào mà Triều Tiên từng đem ra thử nghiệm trước đây, bao gồm cả một tên lửa được thiết kế để tấn công bất cứ nơi nào trên lãnh thổ chính của Mỹ.
Vụ phóng được thực hiện dưới sự chỉ đạo và giám sát trực tiếp của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.
Trong phiên họp ngày 25-3 của Hội đồng Bảo an (HĐBA), Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield mô tả các động thái gần đây của Triều Tiên là "hành động khiêu khích ngày càng nguy hiểm".
Chính vì vậy, Mỹ sẽ đề xuất một dự thảo nghị quyết "để cập nhật và củng cố trừng phạt" đối với Triều Tiên, theo Hãng tin Reuters.
Trước đó, cùng ngày 25-3, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan lo ngại Triều Tiên "có khả năng vẫn còn nhiều tên lửa Hwasong-17 trong kho".
Quan chức đối ngoại thuộc Nhà Trắng cũng mô tả vụ phóng thử ngày 24-3 là một phần trong "mô hình thử nghiệm tên lửa và khiêu khích của Bình Nhưỡng".
Hwasong-17 được giới phân tích phương Tây đặt cho biệt danh "tên lửa quái vật" vì kích thước khổng lồ kể từ khi lộ diện vào tháng 10-2020.
Vụ phóng thử hôm 24-3 là lần đầu tiên loại tên lửa này rời khỏi mặt đất và đạt độ cao tới hơn 6.200km trước khi đánh trúng mục tiêu cách nơi phóng hơn 1.000km.
Trong phiên họp HĐBA ngày 25-3, đại diện Nga và Trung Quốc phản đối tăng cường trừng phạt Triều Tiên.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun kêu gọi các bên "không thực hiện các hành động khiến căng thẳng cao hơn" và cho rằng Mỹ nên đưa ra chìa khóa giải quyết vấn đề.
"Mỹ không được tiếp tục gạt bỏ những yêu cầu chính đáng của CHDCND Triều Tiên nữa. Các ông nên đưa ra một đề xuất hấp dẫn để mở đường cho các cuộc đối thoại", ông Zhang kêu gọi.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Anna Evstigneeva thì cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế Triều Tiên và cuộc sống của người dân nước này.
Lần cuối cùng HĐBA thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên là vào tháng 12-2017, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử ICBM. Để một nghị quyết được thông qua tại HĐBA, cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phản đối nào của 1 trong 5 nước thường trực gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.
Trong lệnh trừng phạt năm 2017, HĐBA cấm gần 90% lượng xăng dầu tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên và để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục trừng phạt nếu Bình Nhưỡng thử ICBM.
Sau vụ thử ngày 24-3, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với các thực thể và công dân Nga và Triều Tiên, những người bị cáo buộc "chuyển giao các mặt hàng nhạy cảm cho chương trình tên lửa của Triều Tiên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận