Người dân Triều Tiên theo dõi qua màn hình cảnh phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14. Ảnh do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố ngày 5-7 - Ảnh: Reuters/KCNA |
Theo đài CNN, tầng thứ nhất của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên được cho là tên lửa KN-17 sử dụng nhiên liệu lỏng, vốn khá quen thuộc với tình báo Mỹ và đã được Triều Tiên sử dụng trước đó.
Trước cuộc phóng thử tên lửa ngày 4-7, các vệ tinh Mỹ đã phát hiện những bằng chứng cho thấy Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa KN-17.
Tuy nhiên Mỹ đã không kích hoạt các hệ thống phòng thủ tên lửa để bắn hạ tên lửa này của Triều Tiên vì cho rằng nó không đe dọa an ninh Bắc Mỹ.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông Jeff Davis, giải thích: "Rõ ràng chúng tôi đã quan sát Triều Tiên rất sát sao. Đó không phải loại tên lửa nào chúng tôi từng thấy trước đó".
Cũng theo ông Davis, tên lửa này đã được chở đi từ một khu xưởng máy bay gần Panghyon - khu vực trước đó Triều Tiên chưa từng dùng làm nơi phóng tên lửa.
Tên lửa ICBM sau đó được đưa tới bãi phóng trên một bệ phóng di động, nhưng không phóng từ đó. Điểm khác biệt này được cho là quan trọng vì việc sử dụng một bệ phóng di động sẽ khó phát hiện và khó phòng thủ hơn.
Tuy nhiên vào thời điểm trước khi phóng, Triều Tiên gắn thêm một tầng thứ hai vào phía trên tên lửa KN-17.
Mối quan tâm chính lúc này của tình báo Mỹ là thông tin về tầng thứ hai tên lửa và vai trò của nó về mặt kỹ thuật trong cuộc phóng thử lên lửa mới nhất của Triều Tiên như thế nào.
Theo đài Fox News, loại tên lửa mới "chưa được đặt tên" này sử dụng nhiên liệu lỏng, có nghĩa nó cần nhiều thời gian hơn để di chuyển và ít linh động hơn so với loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.
Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, đánh giá mới nhất cho biết tên lửa mới của Triều Tiên có tầm bay về mặt lý thuyết khoảng 5.500 km nếu nó được bắn đi ở một quỹ đạo tiêu chuẩn hơn so với lần thử ngày 4-7.
Một tên lửa được xếp loại ICBM nếu có tầm bay tối thiểu đạt 5.500 km. Do vậy, tên lửa vừa bắn thử của Bình Nhưỡng được xếp vào loại nằm giữa một tên lửa tầm trung và một tên lửa liên lục địa.
Ở tầm bắn đó, tên lửa Triều Tiên có khả năng tấn công tới vùng Alaska của Mỹ. Dù vậy Bình Nhưỡng vẫn còn thiếu nhiều bước phát triển công nghệ quan trọng khác để có thể thực sự gắn được đầu đạn hạt nhân lên ICBM.
Tầng thứ hai của tên lửa có chu kỳ đốt độc lập 30 giây, giúp tên lửa có thể bay xa thêm, đạt tiêu chuẩn của một ICBM.
Nhưng theo một quan chức quốc phòng Mỹ khác, họ đang đánh giá xem liệu khả năng quay trở lại khí quyển của tên lửa này có được kiểm soát hoàn toàn hay không.
Để tấn công thành công mục tiêu, ICBM phải có khả năng quay trở lại khí quyển Trái Đất mà không bị nổ tung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận