Thỏa thuận mới cho phép ít nhất 30 chuyến bay trực tiếp hàng ngày giữa Mỹ và Cuba sẽ được công bố ngày 16-2 - Ảnh: Getty/Politico |
Theo Politico, thông báo của Bộ Giao thông vận tải Mỹ gửi tới văn phòng quốc hội Mỹ cho biết thỏa thuận mới dự kiến cung cấp 30 chuyến bay trực tiếp hàng ngày giữa Mỹ và Cuba.
Theo đó sẽ giúp thúc đẩy hoạt động đi lại hợp pháp, tăng thêm lựa chọn cho hành khách và tăng cường nối kết quan hệ giữa người dân hai nước.
Trong số 30 chuyến bay mỗi ngày có 20 chuyến qua lại giữa Mỹ và thủ đô Havana, 10 chuyến bay tới 9 sân bay khác của Cuba.
Bộ giao thông vận tải cho biết số chuyến bay được cấp phép có thể lên tới 110 chuyến mỗi ngày chứ không chỉ là 30.
Các hãng hàng không sẽ đăng ký tham gia vận tải đường không giữa hai nước và Bộ giao thông vận tải Mỹ sẽ lựa chọn các hãng tham gia.
Mỹ và Cuba tuyên bố bình thường hóa quan hệ từ tháng 12-2014. Mỹ đã mở lại đại sứ quán tại Havana và đại sứ quán của Cuba cũng đã được mở lại ở Washington D.C.
Tên lửa Hellfire mặc dù không mang đầu đạn nhưng vẫn chứa đựng rất nhiều bí mật công nghệ - Ảnh: Getty Images/BBC |
Trong một diễn biến khác liên quan, chính phủ Cuba vừa gửi trả lại Mỹ tên lửa Hellfire của Mỹ bị gửi nhầm sang Cuba từ năm 2014 khi đang trong quá trình vận chuyển tới châu Âu phục vụ công tác huấn luyện.
Theo CNN, phó phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Mark Toner xác nhận thông tin này nhưng từ chối cung cấp các thông tin chi tiết. Tuy nhiên các nguồn tin của CNN cho biết tên lửa Hellfire đã nằm tại Cuba kể từ năm 2014.
Hellfire là dòng tên lửa không đối đất được dùng bắn từ các trực thăng chiến đấu. Mặc dù được thiết kế ban đầu như một vũ khí chống tăng, nhưng chúng thường xuyên được hiện đại hóa và hiện có thể bắn từ máy bay không người lái trong các chiến dịch chống khủng bố.
Tên lửa Hellfire bị gửi nhầm sang Cuba có tên đầy đủ là Tên lửa huấn luyện Hellfire (Hellfire Captive Air Training Missile).
Tuy không thể dùng để bắn vì không có đầu đạn, nhưng nó vẫn chứa những thông tin nhạy cảm về công nghệ sản xuất vũ khí của Mỹ như thông tin cảm ứng và dò tìm mục tiêu mà giới quan chức Mỹ rất lo ngại nếu bị rơi vào tay kẻ thù của họ.
Các nguồn tin cho biết trong hơn một năm qua, Mỹ đã cố gắng liên lạc với chính phủ Cuba để lấy lại tên lửa bị thất lạc. Tuy nhiên quá trình này bị trì hoãn vì mọi sự chú ý trong thời gian đó đã được dồn vào những hoạt động nối lại quan hệ ngoại giao bình thường giữa hai nước vào tháng 12-2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận