24/10/2017 12:04 GMT+7

Mỹ, Nhật, Hàn tập trận chống tên lửa Triều Tiên

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Bất chấp những phản đối và cảnh báo từ Bình Nhưỡng, Hàn Quốc lại phối hợp cùng Mỹ và Nhật tập trận với mục đích rõ ràng hơn: phát hiện sớm tên lửa của Triều Tiên.

Mỹ, Nhật, Hàn tập trận chống tên lửa Triều Tiên - Ảnh 1.

Tàu chiến Hàn Quốc trong một lần tập trận trên biển - Ảnh: AFP

Ngày 24-10, hãng tin Reuters dẫn thông báo từ quân đội Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu cuộc diễn tập cảnh báo tên lửa nhằm tăng cường khả năng phát hiện và theo dấu các tên lửa trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.

Hội đồng Tham mưu liên quân (JCS) khẳng định cuộc tập trận 3 bên sẽ kéo dài 2 ngày, tại vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc và Nhật Bản, với sự tham gia của 4 tàu chiến trang bị hệ thống tên lửa lá chắn Aegis của 3 nước.

Tuy nhiên sẽ không có bắn tên lửa thật trong khuôn khổ cuộc diễn tập này. Các tàu được triển khai sẽ phối hợp phát hiện và theo dấu một vụ phóng tên lửa giả định và chia sẻ thông tin với nhau.

Miệng nói hòa đàm, thực tế tập trận

Đây là cuộc diễn tập lần thứ 5 kiểu này giữa Mỹ - Nhật - Hàn kể từ cuộc diễn tập đầu tiên diễn ra hồi tháng 6-2016.

Trong một thông báo, JCS cho biết cuộc diễn tập mới nhất nhằm chuẩn bị sẵn sàng trước nguy cơ ngày càng lớn về tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, phù hợp với thỏa thuận đã đạt được trong Hội nghị Tham vấn an ninh lần thứ 48 giữa Mỹ và Hàn Quốc tháng 10-2016.

Ngày 23-10, quyền Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Marc Knapper tuyên bố Washington hiện đang tập trung gây sức ép ngoại giao và kinh tế nhằm buộc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa, đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với đồng minh Hàn Quốc.

Mỹ, Nhật, Hàn tập trận chống tên lửa Triều Tiên - Ảnh 3.

Biệt kích người nháy nhảy từ trực thăng xuống biển trong cuộc tập trận chung của Hàn Quốc và Mỹ ở biển Busan - Ảnh: REUTERS

Trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+3 ở Philippines ngày 23-10, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước trên đã cam kết tiếp sức cho nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên dựa trên các biện pháp ngoại giao, đồng thời ghi nhận tầm quan trọng của các biện pháp chung đối phó với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng như chia sẻ thông tin và tập trận chung với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.

Một thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc gặp có đoạn nhấn mạnh: "Các vị bộ trưởng của ba nước nhất trí hợp tác tích cực nhằm hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua sức ép tối đa".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước cũng ghi nhận tầm quan trọng của các biện pháp chung đối phó với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng như chia sẻ thông tin và tập trận chung với sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, đồng thời tái khẳng định các kế hoạch tiếp tục hoạt động cảnh báo ba bên về tên lửa đạn đạo và tập trận chống tàu ngầm.

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm ngày 23-10 sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Abe đã nhất trí hợp tác nhằm gia tăng sức ép với Triều Tiên. 

Phát biểu với báo giới, Phó Chánh Văn phòng nội các Nhật, ông Yasutoshi Nishimura cho biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi nhanh về tình hình Triều Tiên và dự kiến sẽ thảo luận sâu hơn về vấn đề này trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản ngày 5-11 tới đây của ông Trump. 

Đây cũng sẽ là một nội dung quan trọng chuyến công du châu Á trong tháng 11 tới của nhà lãnh đạo Mỹ. 

Trung Quốc: "vòng luẩn quẩn"

Trước đó, ngày 12-10, Trung Quốc cho rằng vấn đề Triều Tiên đang rơi vào một "vòng luẩn quẩn" leo thang căng thẳng và rằng Bình Nhưỡng chỉ có thể tháo gỡ "mớ bòng bong" này bằng cách tái khởi động các cuộc đối thoại. 

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) nhận định gốc rễ của vấn đề trên nằm ở sự thù địch, thiếu lòng tin và ý thức an ninh giữa Triều Tiên và Mỹ - các bên trực tiếp liên quan tới vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. 

Mỹ, Nhật, Hàn tập trận chống tên lửa Triều Tiên - Ảnh 4.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đến Hàn Quốc - Ảnh: REUTERS

Để tìm giải pháp mang tính đột phá, bà Hoa Xuân Oánh cho rằng đề xuất đàm phán của Trung Quốc và Nga là hoàn toàn "logic và hợp lý", trong đó yêu cầu Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận chung. 

Bà Hoa Xuân Oánh đưa ra tuyên bố trên khi được hỏi về cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho với lãnh đạo hãng thông tấn TASS của Nga tại Bình Nhưỡng hôm 11-10 vừa qua, trong đó ông Ri Yong Ho nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của Triều Tiên là "không bao giờ đồng ý bất kỳ cuộc thương lượng nào mà ở đó các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trở thành chủ đề đàm phán". 

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Triều Tiên còn cảnh báo Bình Nhưỡng sẵn sàng trút "mưa hỏa lực" vào Mỹ bằng "lực lượng chiến lược chưa từng có". 

Trước phản ứng nói trên của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, bà Hoa Xuân Oánh đã bày tỏ hy vọng tất cả các bên có thể đáp lại một cách thiện chí đối với các đề xuất của phía Trung Quốc và Nga nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. 

Bà cũng cho rằng các đề xuất này hướng tới việc giải quyết những quan ngại của tất cả các bên liên quan theo cách thức cân bằng, giúp tháo gỡ tình hình bế tắc hiện nay và mở ra con đường để nối lại đối thoại.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp