Nữ sinh Đồng Khánh khoảng đầu thập niên 1940 - Ảnh tư liệu
Đó cũng là nỗi lòng của biết bao thế hệ chàng trai về những cô nữ sinh Đồng Khánh (ca khúc của Thu Hồ), dưới một mái trường tụ hội biết bao tên tuổi giai nhân sắc nước hương trời của vùng đất Huế.
Một phần "giấc mơ Huế"
Sáng 3-4, toàn bộ học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng tụ hội trong cuộc trình diễn nữ công gia chánh ngay tại sân trường. Tất cả nữ sinh thướt tha trong bộ áo dài trắng cùng chế biến món chè sao cho ngon nhất, bày biện sao cho đẹp nhất và giới thiệu hấp dẫn nhất. Đó là các món chè hạt sen, chè đậu xanh, chè ngũ sắc, chè đậu ván đặc...
Mỗi lớp bày biện mỗi kiểu, lên khay, lên mâm hoặc đôi triêng gióng. Có lớp trang trí thêm buồng hoa cau hay chiếc nón bài thơ nhỏ xinh... Để chuẩn bị cho "cuộc thi" này, các bạn đã phải đi hỏi rất nhiều từ những người mẹ, người bà nấu ngon, nấu khéo kiểu Huế xưa.
"Em thử giới thiệu cách nấu món chè ni, cứ coi như mấy cô đây chưa biết chi hết" - cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền, nguyên hiệu phó trường, đề nghị. Sau khi nghe trình bày, các cô cùng nếm thử, vừa ghi chép, vừa đánh giá: "Đúng là cái chén xinh, màu sắc đẹp, trang trí cũng sáng tạo. Nhưng mấy em cần hấp đậu (xanh) mềm hơn tí nữa sẽ ngon hơn...".
Ở dãy bên, nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà thử chè rồi nhận xét những điều thừa và thiếu, từ cách chọn, sơ chế nguyên liệu cho đến cách nấu và bày biện... Các học sinh lắng nghe chăm chú và lễ độ lắm. Các bạn quan sát từng cử chỉ, thái độ ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn, mực thước của cô giáo trong bộ áo dài tím thướt tha.
Sự kiện nói trên mở đầu việc đưa kỹ năng gia chánh vào chương trình đào tạo học sinh theo chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ. Với mục tiêu khi rời trường, học sinh nắm được những kỹ năng sống, chăm lo gia đình kèm những hiểu biết về văn hóa, nhất là ẩm thực xứ Huế.
Đây cũng là một phần nhỏ nằm trong "Giấc mơ Huế" - khôi phục những giá trị văn hóa vốn có đã bị mai một. Đồng Khánh cũng là cái tên gợi nhắc về cái nôi đào tạo nhiều thế hệ phụ nữ Huế có học thức, trang bị đủ đầy công, dung, ngôn, hạnh...
Q.H., nữ sinh khối 12 với khuôn trăng tươi tắn, nét rất đậm duyên, là tâm điểm của ánh mắt nhìn các bạn trai cùng khối khi đang giới thiệu món chè với cô giáo. Giọng điệu và cung cách ăn nói của H. dễ đoán chắc "con nhà Đồng Khánh". Thì ra cô chọn vào Trường Hai Bà Trưng bởi đây cũng là nơi ngày xưa bà ngoại, mẹ và các dì từng theo học.
"Em nghe chuyện nữ sinh Đồng Khánh xưa mà thấy rất thích. Em ngưỡng mộ bởi họ đều rất Huế, như bà ngoại và mẹ em rứa đó, giỏi giang, đảm đang, làm chủ gia đình. Vì thích nên em quyết thi vô trường cho bằng được. Năm ni trường đưa thêm môn gia chánh cũng thiệt là hay" - H. chia sẻ.
Nữ sinh Trường Hai Bà Trưng bày biện món chè, một phần kỹ năng gia chánh vừa được học - Ảnh: THÁI LỘC
Ngôi trường nhan sắc
Từ khi thành lập năm 1917-1975, Trường Hai Bà Trưng mang tên Đồng Khánh, là ngôi trường nữ danh tiếng của cả miền Trung, luôn được nhắc đến là "cái nôi" của biết bao thế hệ phụ nữ nổi tiếng trong cả nước. Đáng quan tâm ở đây, chính là khó có thể kể hết danh sách nhan sắc ở tất cả niên khóa, cả cô lẫn trò. Tất nhiên, phần nhiều cô giáo cũng từ nữ sinh Đồng Khánh mà lên.
Chỉ lấy riêng "lát cắt" ở thập niên 1960, theo lời cựu nữ sinh Hoàng Mỹ Đức: "một kho tàng nhan sắc nằm ở Trường Đồng Khánh tôi". Bà Mỹ Đức nhận xét về vẻ đẹp của các cô giáo trong trường: "Thật là một bức tranh tuyệt vời để ngưỡng mộ".
Không chỉ đẹp người, đẹp nết, đẹp chưng diện, các cô còn đẹp ở những cái tên như được lấy ra từ Đường thi. Đó là các cô giáo, mỹ nhân: Diệu Tâm, A Trang với sự quý phái, thướt tha như người đẹp từ tranh bước ra. Các cô Cam Thảo, Bích Đào, Bá Diệp điệu đàng chẳng khác tài tử.
Cô Tịnh Nhơn thì ôn nhu, hiền hòa, cô Quế Hương thì trang đài, cô Lưu Ty, Mỹ Trang thì nghiêm trang, kín đáo. Cô Phương Lan thì cứng cỏi, lạnh lùng có nét đẹp giống một vị đệ nhất phu nhân. Cô Tiết, cô Thu, cô Mỹ vẻ đẹp đôn hậu, cô Minh Châu duyên dáng, đậm đà...
Khóa học nào của Trường nữ Đồng Khánh cũng dập dìu nhan sắc, thế hệ này chưa từng kém cạnh thế hệ kia, đẹp từ dung nhan, dáng hình cho đến mỹ danh đài các. Ở Huế mới biết không thể kể hết biết bao câu chuyện chàng trai mê mệt "bám đuôi" nữ sinh Đồng Khánh lúc tan trường. Những giai nhân Đồng Khánh sống mãi những tuyệt phẩm thơ nhạc của những nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã khó đếm.
Điều đặc biệt của nữ sinh Đồng Khánh là trong mỗi khóa, mỗi lớp học đều có một vài "nhị Kiều" nhan sắc "mười phân vẹn mười" cùng nhau tỏa rạng. Nghệ nhân ẩm thực Mai Thị Trà, cựu cô giáo gia chánh Đồng Khánh một thời, kể nhiều về những "chị em nàng Kiều".
Đó là những Kim Nhơn, Kim Phúc ở Bến Ngự; Giao Châu, Giao Tiên gần cửa Đông Ba; Kim Nhạn, Kim Oanh ở khu Lục Bộ; Mỹ Tâm, Mỹ Liên ở Hàng Bè; Quỳnh Hoa, Cẩm Cát ở Bàu Vá; Như Quỳnh, Như Quý ở Ngô Quyền...
Ngoài một số "bộ tam", đặc biệt còn có mấy "bộ tứ" chị em đều "khuôn trăng tỏa rạng" cùng dưới mái trường. Đó là "tứ Mi" (Trà Mi, Kiều Mi, Nga Mi, Diệm Mi) ở Hàng Me, hay "tứ ng" (Ngai, Nghi, Ngự, Nghĩa) ở An Cựu...
Hoàng cung nào sánh
Trường Đồng Khánh ngày trước dạy nữ sinh nên chương trình học cũng rất đặc biệt; rời trường là có đủ kỹ năng làm vợ, làm mẹ. Cô Ngô Thị Chính, nguyên hiệu trưởng, cho biết chương trình có những phần riêng nhằm giúp cho học sinh giữ được những truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
"Đó là vấn đề công, dung, ngôn, hạnh, trung hậu, đảm đang, rất được quan tâm giáo dục qua chính khóa, ngoại khóa, sinh hoạt văn nghệ, cả trong sinh hoạt hằng ngày... Nữ sinh còn được chú ý rèn luyện phong cách của người con gái có học thức, có giáo dục, đặc biệt ở lứa tuổi còn đi học. Giản dị và trang nhã trong trang phục và trang điểm. Lễ độ, lịch sự, khiêm tốn, tế nhị trong giao tiếp. Đoan trang, thùy mị, ý tứ trong phong thái. Nội quy của trường góp phần tích cực vào việc uốn nắn phong cách ấy" - cô Chính cho biết.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Thông nói: "Ngày xưa mỹ nữ trong cung vua không thể sánh bằng mỹ nữ Đồng Khánh". Lý do là nhà vua thường không được quyền chọn lựa người đẹp, bởi phần lớn các vị đại thần tiến cung con gái, chưa chắc đã đẹp, ông vua phải lấy để củng cố ngai vàng.
"Trong khi ngoài cung, những ông quyền quý, nhà giàu thường chọn con nhà danh giá cho môn đăng hộ đối và đẹp. Vợ đẹp thì sinh con đẹp. Trong điều kiện kinh tế như vậy thì đưa vào Trường Đồng Khánh để giữ hình ảnh gia đình mình, cũng chính là nơi tụ hội, trở thành ngôi trường mỹ nhân" - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nhận định.
Một trong những gương mặt giai nhân nổi trội của Trường Đồng Khánh chính là bà Tuần Chi (lấy theo tên chồng Nguyễn Đình Chi, tên thật là Đào Thị Xuân Yến, con gái cụ Đào Thái Hanh, một trí thức đương thời). Bà vào học Trường Đồng Khánh năm 1923, là người phụ nữ Trung kỳ đầu tiên tốt nghiệp tú tài Tây ở Trường Albert Saraut, đến năm 1952 trở lại làm hiệu trưởng trường nữ này.
Bà Tuần Chi đẹp từ dung nhan, cốt cách, phong thái "rất Huế", vừa là một nữ trí thức Huế nổi bật, từng thoát ly ra Bắc tham gia cách mạng. Tại Huế, người đẹp trí thức Tuần Chi rất nổi tiếng với việc tạo lập nhà vườn An Hiên, một công trình tiêu biểu trong di sản nhà vườn xứ Huế.
-------------------------------
Hun đúc từ tình yêu nghệ thuật Lê Bá Đảng, người đẹp Lê Cẩm Tế đã tạo nên một khu vườn - không gian tuyệt đẹp, sang trọng và tinh tế hơn cả tinh thần nghệ thuật của người họa sĩ nổi tiếng.
Kỳ tới: Khu vườn đặc biệt của một người đẹp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận