11/05/2021 11:40 GMT+7

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 3: Người em sầu mộng muôn đời

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - "Ai bảo em là giai nhân/Cho đời anh đau khổ". Điềm Phùng Thị, tác giả điêu khắc trứ danh, người tạo ra bảy ký (mẫu) tự trở thành ngôn ngữ điêu khắc riêng biệt nổi tiếng thế giới, từng là một giai nhân làm xiêu lòng 2 thi nhân, họa sĩ nổi tiếng.

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 3: Người em sầu mộng muôn đời - Ảnh 1.

Giai nhân Điềm Phùng Thị thời hoa niên - Ảnh tư liệu

"Người em sầu mộng của muôn đời"

Bài thơ Một mùa đông làm rung động lòng người của thi sĩ Lưu Trọng Lư và bức tranh "Thiếu nữ bên lồng chim" của Mai Trung Thứ là "bằng chứng" cho câu chuyện tình giai nhân - nghệ sĩ.

"Em là gái trong khung cửa/ Anh là mây bốn phương trời... Ai bảo em là giai nhân/ Cho đời anh đau khổ/ Ai bảo em ngồi bên cửa sổ/ Cho vương vấn nợ thi nhân...". Bài thơ phổ nhạc thành bài hát đó (Y Vân phổ thành ca khúc Người em sầu mộng), tôi đã hát từ đầu những năm sáu mươi, thuộc lòng đến tận bây giờ, nhưng mãi sau này tôi mới biết là của nhà thơ Lưu Trọng Lư dành tặng chị". 

Cô Phạm Thị Cúc, vợ nhà văn Tô Nhuận Vỹ, viết như vậy trong tập kỷ yếu "Tri ân nghệ sĩ Điềm Phùng Thị" nhân 10 nằm ngày mất của điêu khắc gia. Bà Cúc là người rất thân thiết với Điềm Phùng Thị lúc sinh thời. Khi sang Pháp, bà từng ghé nhà bà Điềm; tại Huế cũng nhiều lần được tâm sự chuyện riêng tư...

Bà Cúc kể đầu những năm 1990, có lần từ chỗ dạy (Trường ĐH Sư phạm Huế) về ghé thăm bà Điềm ở Nhà trưng bày Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, 1 Phan Bội Châu, Huế: "Sau một hồi chuyện trò, bỗng nhiên chị soạn mấy ảnh cũ ra coi. Dung nhan người thiếu nữ Phùng Thị Cúc (tên thật, Điềm Phùng Thị là nghệ danh, ghép tên người chồng Bửu Điềm cùng họ mình - PV) thật kiều diễm, sang trọng với đôi mắt đẹp đượm buồn, nụ cười hiền má lúm đồng tiền rất duyên. 

Nhìn thấy, tui kêu: "Ui chao, hồi nớ chị đẹp dữ rứa à?". Chị cười, kể nhiều chuyện lắm. Trước đó tui từng nghe loáng thoáng Lưu Trọng Lư làm bài thơ Một mùa đông tặng chị, tiện dịp tui hỏi. Chị "ừ, ừ" và cười rất vui, tiếp tục soạn ảnh thời con gái rất đẹp của mình khoe với tui".

Chuyện tình của thi sĩ Lưu Trọng Lư với giai nhân Phùng Thị Cúc còn được kể chi tiết trong trang Lưu tộc Việt Nam. Thời nữ sinh, Phùng Thị Cúc được người chị nhờ bạn mình là Lưu Trọng Lư chăm nom trên chuyến tàu từ Huế ra Hà Nội trọ học. 

Người con gái con nhà quan lại đài các, tuyệt đẹp, là hoa khôi của Trường nữ Đồng Khánh hút hồn thi sĩ ngay từ đầu. Suốt chặng đường dài của chuyến tàu, hai người chẳng mấy chuyện trò, nhà thơ lặng ngắm giai nhân ngắm cảnh trên đường.

Về đến Hà Nội, thi sĩ tự nguyện đưa người đẹp đến một căn gác nhỏ giao cho bạn chị như đã hứa rồi chia tay trong ngơ ngẩn, luyến lưu. Vừa bước xuống căn gác, Lưu Trọng Lư gặp ngay người bạn thi sĩ Phạm Hầu lúc ấy đang học Trường Mỹ thuật Đông Dương (khóa 13). 

Được mời vào nhà chơi, mở cửa căn gác, Lưu Trọng Lư quá đỗi bất ngờ nhìn thấy giai nhân theo cùng chuyến tàu ở bên khung cửa phòng trọ đối diện. Không chút đắn đo, chàng xin ở lại và lòng mở cờ khi gia chủ gật đầu...

Câu chuyện được kể sau đó trong trang Lưu tộc Việt Nam: "Ở căn phòng bên này, cô gái cũng không thể vô tình. Bởi ngay lần đầu tiên, khi nhà thơ nhìn qua cửa sổ đã bắt gặp đôi mắt Cúc mở to, sững sờ nhìn người anh 'dẫn đường' rồi sau đó bối rối mỉm cười rời khỏi khung cửa. 

Sau này, thật lạ lùng mỗi khi nhà thơ bất thần mở cửa sổ lại nhìn thấy Cúc khi thì đang ngồi đọc sách ôn bài, khi thì đang cắm một lọ hoa. Cũng có khi Cúc chẳng làm gì, ngồi suy tư mơ mộng. Cũng có khi nghe một tiếng ho nhẹ, nhà thơ mở hé cửa nhìn sang lại bắt gặp nụ cười bối rối, e thẹn của người đẹp. 

Cũng có lần khi mở cửa sổ, nàng không hề ngước lên nhìn, cho đến lúc cánh cửa như tự nó khép lại. Lại có lần không biết vì chuyện gì, Cúc ném sang bên này một cái nhìn hờn giận, trách móc khiến nhà thơ ngơ ngẩn suốt một buổi chiều".

Bài thơ Một mùa đông, có thể nói hay hơn cả ở đoạn thứ hai, "kể thực" khung cảnh câu chuyện, nói rõ khối tình si tràn trề cảm xúc của người thi sĩ: "Em chỉ là em gái thôi/ Người em sầu mộng của muôn đời/ Tình em như tuyết giăng đầu núi/ Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời... Ai bảo em là giai nhân/ Cho lệ tràn đêm xuân/ Cho tình tràn trước ngõ/ Cho mộng tràn gối chăn"...

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 3: Người em sầu mộng muôn đời - Ảnh 2.

Tác phẩm Cô gái bên lồng chim của Mai Trung Thứ ẩn chứa tình họa sĩ với Điềm Phùng Thị - Ảnh: THÁI LỘC

Bức tranh khỏa thân "giá một ký vàng"

Ghé nhà trưng bày điêu khắc Điềm Phùng Thị - Bảo tàng Mỹ thuật Huế bên dòng sông Hương, cùng với khu trưng bày tác phẩm ngoài trời và hai tầng lầu của ngôi biệt thự cổ, nhiều người lưu lại khá lâu trong không gian thờ tự vợ chồng nữ điêu khắc gia. 

Ngắm dung nhan tuyệt sắc của bà Điềm thời con gái treo ở tường bên sẽ dễ hiểu mối tình si của thi sĩ họ Lưu. Nhưng có một tên tuổi nổi tiếng khác cũng rất mê mệt với giai nhân Phùng Thị Cúc, đó là danh họa Mai Trung Thứ.

Bà Đinh Hoài Trai, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, đưa tôi tác phẩm "Cô gái bên lồng chim" của danh họa họ Mai vừa được bảo tàng sưu tầm được. Bức tranh quý vẽ một cô gái khỏa thân đang cho chim ăn, con chim trắng nhỏ đang bị nhốt trong lồng... Ngoài tên, dấu triện son và năm vẽ theo phong cách của tác giả, phía dưới tác phẩm có thêm bút tích: "Thân tặng Cúc Điềm, XII 78 (tháng 12-1978), Mai Trung Thứ". 

Người chuyển nhượng bức tranh cho bảo tàng là ông Phan Đình Hối, phụ trách, gắn liền với Nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị suốt 25 năm, 1993-2018. Đặc biệt, trong khoảng mười năm cuối đời của nữ điêu khắc gia, từ 1993-2002, ông "như con cháu trong nhà của cô Điềm".

Người đẹp Điềm Phùng Thị vốn là một nha sĩ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, khi sang Pháp bà từng theo học vẽ với danh họa Mai Trung Thứ. Chuyện giấu kín lòng, về sau khi người đẹp lập gia đình, người danh họa đã vẽ tặng bức tranh với ngụ ý "chim đã vào lồng". Theo lời kể của ông Phan Đình Hối, bức tranh từng được một "đại gia" đất Bắc hỏi mua với giá "đúng một ký vàng" nhưng bà không bán.

Về sau, tại nhà trưng bày nghệ thuật cũng là nơi sinh sống ở Huế, Điềm Phùng Thị đã treo bức tranh kỷ niệm trong phòng riêng. Người chồng Bửu Điềm lúc ấy đang bệnh nhìn thấy không vui, sau đó bà gỡ xuống và tặng cho ông Hối.

"Bức tranh được cô Điềm treo trong phòng một thời gian thì không treo nữa, chú Điềm không thích bức đó. Tôi cảm nhận kiểu như mỗi lần (chú) nhìn gợi đến điều gì đó. Sau khoảng cuối năm 1996, cô tặng cho tôi vì coi tôi như người nhà. Cô nói khi nào các cháu vào đại học thì bán bức tranh này để lo cho các cháu học. Đó là cái tâm của cô. Cô nói giá trị của bức tranh là một ký vàng đó nghe không Hối!", ông Hối chia sẻ.

"Mọi việc dường như chẳng có gì khác lạ: Cửa sổ mở rồi lại đóng, đóng rồi lại mở. Thế nhưng sự trông đợi, nhớ nhung đã thấm vào gan ruột từng ngày, từng ngày một. Làm sao có thể nhớ hết được biết bao lần Cúc đã vào trong giấc mơ của thi sĩ đa tình, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ Một mùa đông ra đời.

Bài thơ gồm 4 đoạn kể lại một 'love story' trong mộng ảo mà thấm đẫm những nỗi đau có thật: Đôi mắt em lặng buồn/ Nhìn thôi mà chẳng nói/ Tình đôi ta vời vợi/ Có nói cũng không cùng... Em ngồi trong song cửa/ Anh đứng tựa tường hoa/ Nhìn nhau mà lệ ứa/ Một ngày một cách xa/ Đây là dải ngân hà/ Anh là chim Ô Thước/ Sẽ bắc cầu nguyện ước/ Một đêm một lần qua/ Để mặc anh đau khổ...".

Trích Chuyện tình thơ mộng giữa thi sĩ Lưu Trọng Lư với nữ sinh Phùng Thị Cúc, Lưu tộc Việt Nam

************

>> Kỳ tới: Bóng hồng nhạc Trịnh

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ít nhất 23 người đẹp "lướt qua" cuộc đời và trở thành cảm hứng viết nên những bản tình ca bất hủ. Sâu đậm nhất đối với người nhạc sĩ vẫn là những "bóng hồng" ở Huế...

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 2: Vợ vua tái giá Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 2: Vợ vua tái giá

TTO - Khi vua Thành Thái bị ép thoái vị và lưu đày xứ xa, người đẹp Huyền phi ở nhà đã 'vượt rào' tái giá. Người chồng sau của người đẹp cũng là vị quan đại thần danh tiếng...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp