09/05/2021 14:21 GMT+7

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 1: Kim Long có gái mỹ miều

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Đất Huế một thời đế đô, giai nhân dập dìu tụ hội đã đành. Mãi tận sau này, lớp lớp người đẹp vẫn cứ xuất hiện nối tiếp với biết bao câu chuyện thú vị, cuốn hút lạ lùng.

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 1: Kim Long có gái mỹ miều - Ảnh 1.

Chân dung bà Nguyễn Hữu Thị Nga, Huyền phi của vua Thành Thái - Ảnh tư liệu Thái Lộc chụp lại

"Kim Long có con sông Hương thơ mộng chảy qua, đất đai tươi tốt, thiên nhiên trong lành, cây trái thơm ngon tươi tốt bốn mùa. "Miền gái đẹp" Kim Long hội tụ được rất nhiều điều như vậy.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng

Từ đường Vĩnh Quốc Công thờ dòng tộc Nguyễn Hữu với chiếc cổng tam quan có tỉ lệ "vàng" đẹp bậc nhất Huế nằm trên đường Nguyễn Phúc Nguyên hướng ra sông Hương đang lưu một phần câu chuyện về "gái mỹ miều" Kim Long.

Đệ nhất giai phi

Khu từ đường trước có bình phong cổ và hồ nước trồng súng tuyệt đẹp, nằm giữa khu vườn rộng, phủ bóng cây cối. Lối vào là hàng mai vàng, phía bên là hàng cau cao vút, thẳng tắp, vườn rợp bóng thanh trà và măng cụt cổ thụ cùng nhiều cỏ hoa, non bộ, mặt nước... 

Hôm tôi ghé rất thích thú với mùi hương hoa bưởi thanh trà thơm ngát và đầy ắp tiếng chim.

Thủ từ là ông Nguyễn Hữu Hồng Quân giới thiệu bảng gia phả in lớn treo ở bức tường bên, thể hiện đại thần Nguyễn Hữu Độ thuộc đời thứ 25, còn ông Quân thuộc đời 30. 

Giữa gian thờ chính là ngai đặt long vị, hai bên là ảnh quan phụ chính Nguyễn Hữu Độ, phía trước là hàng bài vị bằng gỗ tuyệt đẹp xếp theo thứ bậc. 

Hai gian bên cũng đặt hệ thống thờ tự bài bản theo thế thứ rất ngăn nắp. Ông Quân lần giở cuốn gia phả đặt trong lồng kính phía trước, thể hiện rất cụ thể trong đó là những "giai nhân" chốn hoàng cung một thời.

Quan phụ chính Nguyễn Hữu Độ có đến ba người con gái "làm dâu" hoàng gia. Con gái đầu Nguyễn Hữu Thị Nhàn là đức Thánh cung, vợ của vua Đồng Khánh (Khôn Nguyên thái hoàng thái hậu). 

Con gái thứ hai Nguyễn Hữu Thị Nga là bà Huyền phi, vợ vua Thành Thái. Và con gái thứ tư Nguyễn Hữu Thị Uyển, được gả cho ông Ưng Quyến, em trai vua Kiến Phúc và Đồng Khánh. Dừng lại ở trang 158, phần bà Thị Nga, ông Quân giới thiệu: "Đây chính là Huyền phi của vua Thành Thái. 

Có giai thoại rằng khi vua Thành Thái vi hành lên miền đất Kim Long thì gặp bà Nguyễn Hữu Thị Nga này, đưa về cung, đến nay còn câu lưu truyền rằng: Kim Long có gái mỹ miều/Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi".

Trang gia phả cũng ghi rõ rành: bà Thị Nga (1881 - 1945) được nhập cung làm Huyền phi vua Thành Thái lúc 15 tuổi, sinh một trai, một gái... 

Gia phả dẫn câu thơ trên, kèm theo trích nguồn từ sách của tác giả Phi Long, rằng: "... là của vua Thành Thái làm ra khi đi chơi ở Kim Long và mê một thiếu nữ ở đây nên thường hay lui tới nhà cô này. 

Cô gái đó chẳng ai khác ngoài cô Nga, con quan đại thần Nguyễn Hữu Độ. Câu thơ trên chính là câu hát của vua đối với cô gái mỹ miều đó".

Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 5 năm Thành Thái thứ 9 (1897): "Vua sách phong cho con gái Vĩnh Lại quận công (tức Vĩnh Quốc công từ thời Khải Định) mới tuyển là Nguyễn Thị (Nguyễn Hữu Thị Nga - PV) là Huyền phi nhất giai" (cao nhất trong cửu giai - PV). Chuyến Nam tuần cuối năm ấy, vua đưa người đẹp Huyền phi theo cùng...

Mỹ nhân xứ Huế - Kỳ 1: Kim Long có gái mỹ miều - Ảnh 3.

Phủ Vĩnh Quốc Công ở đất Kim Long Huế, nơi sinh sống thời trẻ của Huyền phi Nguyễn Hữu Thị Nga - Ảnh: THÁI LỘC

Hôn thú "oan gia"

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho rằng việc Thành Thái lấy người đẹp Thị Nga được xem là "mối tình oan gia": "Vua Thành Thái thiệt ngược đời, chọn ai không chọn lại đi chọn con gái ông Nguyễn Hữu Độ, là người dẫn tới cái chết của ông ngoại mình, tức quan phụ chính đại thần Phan Đình Bình".

Lần lại chuyện xưa, Nguyễn Hữu Độ và Phan Đình Bình đều là đại thần được điều từ miền Bắc vào Huế để tái lập trật tự sau biến cố kinh đô thất thủ. Thời Đồng Khánh, đại thần Nguyễn Hữu Độ đã đưa con gái Thị Nhàn vào cung làm hoàng quý phi, là bà Thánh cung sau này. 

Vốn không thích nhau, Nguyễn Hữu Độ đã "méc" với vua Đồng Khánh một sự việc đã cũ. Rằng, khi phía Pháp hỏi ý kiến đưa người lên làm vua, chính ông đã đề nghị Đồng Khánh. Còn ông Phan Đình Bình thì đề nghị người con của vua Dục Đức, vốn là cháu ngoại của mình là Nguyễn Phúc Bửu Lân (Thành Thái sau này). 

Sách Đại Nam thực lục ghi: sau lần Nguyễn Hữu Độ mật tâu: "Vua lấy làm giận, bèn giải chức Đình Bình, giao cho tôn nhân, đình thần xét rõ".

Khi đình thần đề nghị phương án cách chức ông Phan Đình Bình và cho an trí ở Huế, "Vua không cho, lại sai mật hỏi tội lỗi khoản khác của Đình Bình, giao cho Bộ hình và Viện Đô sát hội đồng xét xử, sau bản án xét định dâng lên". 

Trong những tội bị khép có việc Phan Đình Bình lấy đồ vật của vua dùng đưa về nhà. Số là giai đoạn thất thủ kinh đô, những tài sản trong cung thất tán. Trong số đó, chiếc rương gỗ và cái cối đá ở nhà Phan Đình Bình được xác định lấy từ "tiềm để" - nơi ở của Đồng Khánh khi chưa làm vua. 

Tội được xác định: "Duy khoản lấy trộm đồ vật của vua, tang chứng rõ rệt, khép vào tội bất kính, cũng là 1 trong 10 điều ác, vậy Phan Đình Bình và vợ là Nguyễn Thị Đào có nên xử chiểu luật ăn trộm tài vật ở Phủ Nội vụ, đều phải tội chém, nhưng giam đợi lệnh".

Vụ án được giao cho Nguyễn Hữu Độ xét lại, ông trả lời: "Việc Đình Bình can phạm là việc trọng đại, trị bằng tội phải chịu, thực không phải là oan uổng, kính thảy nhà vua xử đoán, pháp lệnh nghiêm minh, may cho tôn xã và may cho thần dân lắm". 

Phan Đình Bình sau đó "uất ức mà chết" ở trong nhà giam. Về sau, đến thời Thành Thái, nhà vua đã truy phục tước hàm, truy tặng tước công cho ông ngoại mình và bốn đời ông bà, ban ruộng thờ và cho xây lại từ đường...

Nổi tiếng gái đẹp

Tháng 9-1907, khi vua Thành Thái bị ép thoái vị, bị lưu đày ở Vũng Tàu, sau đó đến đảo Réunion, người đẹp Huyền phi ở nhà đã viết thơ bộc bạch nỗi lòng: "Từ bé con con mãi đến chừ/ Bỗng chừ mới biết cái tương tư/ Ngàn cân biệt hận đà xơ xác/ Buộc dải đồng tâm đã chắc khư/ Muôn hộc tình đong, đong hãy thiếu/ Một thành sầu chất, chất càng dư/ Mảnh trăng thề với người tri kỷ/ Dẫu nát trăm thân chẳng há từ". 

Lời thơ đó vô cùng đẹp, thể hiện cả tâm tình, nỗi khắc khoải nhớ nhung về một người chồng bị lưu đày. "Có lẽ chỉ có người phụ nữ Kim Long mới có thể thốt lên những lời chân tình, vừa trí tuệ và nghĩa tình như vậy; đó cũng là nét độc đáo của người phụ nữ ở đây" - nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng nhận xét.

Trở lại vùng đất Kim Long, dải đất ven sông Hương sát bên kinh thành Huế này cũng rất nổi tiếng với biết bao người đẹp qua các thời kỳ. Kim Long - thủ phủ Đàng Trong thời các chúa và kinh thành Phú Xuân thời Nguyễn liền một dải ven sông Hương, nên truyền thống văn hóa được hun đúc từ sớm.

Vùng đất ven sông Hương đất đai phì nhiêu, hoa trái tươi tốt được nhiều thành viên hoàng gia và gia đình trâm anh thế phiệt chọn làm nơi ở, đến nay còn nhiều phủ đệ. 

Theo ông Thành Dũng: "Con gái Kim Long nổi tiếng đẹp từ xưa đến nay. Dường như điều đó là tất yếu, trong truyền thống văn hóa được hun đúc, kế thừa, trong một môi trường giáo dục về đạo đức, lễ nghi, công, dung, ngôn, hạnh xuyên suốt mấy trăm năm".

*********************

Khi vua Thành Thái bị ép thoái vị và lưu đày xứ xa, người đẹp Huyền phi ở nhà đã "vượt rào" tái giá; người chồng sau cũng là một vị quan đại thần danh tiếng...

>> Kỳ tới: Hoàng phi tái giá

'Kỳ nhân' xứ Huế

TTO - Đến Huế mà hỏi nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá sẽ nhận được ngay câu trả lời: 'Ông đó lạ lắm, một người rất đặc biệt'. 'Người lạ lắm' nhưng sách của ông lại được lưu hành ở 135 thư viện lớn trên thế giới.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp