26/01/2022 08:26 GMT+7

Mỹ, NATO gây sức ép lên Nga

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Việc Mỹ và châu Âu tuyên bố 'đoàn kết' sau hội nghị trực tuyến ngày 24-1 đồng nghĩa sức ép với Nga đang lớn dần. Song theo các nhà quan sát, khó có khả năng Nga tấn công Ukraine vì Matxcơva cũng đang chọn ngoại giao nhưng theo một cách khác.

Mỹ, NATO gây sức ép lên Nga - Ảnh 1.

Đài rađa trong hệ thống phòng không S-400 của Nga trên đường đến Belarus tập trận ngày 21-1 - Ảnh: Reuters

"Tôi đã có một cuộc họp rất, rất tốt khi có sự nhất trí hoàn toàn với tất cả các nhà lãnh đạo châu Âu", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với báo giới ngay sau hội nghị trực tuyến kéo dài 1 giờ 20 phút với các nhà lãnh đạo đồng minh từ châu Âu và NATO.

Đây là sự tái đảm bảo của Mỹ dành cho các đồng minh NATO. Nó đồng thời gửi một tín hiệu rất rõ ràng cho (Tổng thống Nga) Vladimir Putin rằng chúng tôi coi trọng nghĩa vụ của mình với NATO.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ JOHN KIRBY nói về kế hoạch triển khai 8.500 quân đến Đông Âu.

NATO rục rịch chuyển quân

Tại London, văn phòng của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: "Các nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của sự đoàn kết quốc tế trước sự thù địch ngày càng gia tăng của Nga". 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Việc giảm leo thang là tùy thuộc vào Nga", trong khi Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Jens Stoltenberg - cảnh báo sẽ có hậu quả nếu Nga tiếp tục "gây hấn" với Ukraine.

Ngày 24-1, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết khoảng 8.500 lính Mỹ đang ở trong tình trạng "cảnh giác cao độ", sẵn sàng lên đường tới châu Âu trong trường hợp Lực lượng phản ứng NATO được kích hoạt. 

Số binh sĩ này hẳn nhiên không thể đến Ukraine mà là các nước NATO ở khu vực Đông Âu. 8.500 quân Mỹ không phải là một con số lớn và thiên về tính biểu tượng hơn, diễn ra sau khi một số nước trong NATO tích cực thể hiện sự ủng hộ với Kiev.

Ngoài gửi vũ khí phòng thủ cho Ukraine, NATO đang cử máy bay phản lực và tàu chiến để củng cố sườn phía đông trước lo ngại Nga có thể leo thang tình hình. 

Chẳng hạn, Đan Mạch thông báo sẽ gửi một tàu khu trục nhỏ và máy bay chiến đấu F-16 đến Lithuania, Tây Ban Nha thì cử 4 máy bay chiến đấu đến Bulgaria và 3 tàu đến Biển Đen để gia nhập lực lượng hải quân NATO. 

Hà Lan xác nhận sẽ huy động 2 máy bay F-35, 1 khinh hạm và một số đơn vị lục quân vào danh sách dự bị của Lực lượng phản ứng NATO...

Cho đến thời điểm hiện tại, NATO vẫn chưa chính thức kích hoạt lực lượng này.

Mỹ, NATO gây sức ép lên Nga - Ảnh 3.

Các lựa chọn trừng phạt Nga của phương Tây Nguồn: Hãng tin AP - Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: T.ĐẠT

Hy vọng ngoại giao vẫn còn

Từ Điện Kremlin, người phát ngôn Dmitry Peskov tuyên bố mọi căng thẳng hiện nay đều do Mỹ và phương Tây mà ra, không phải do Nga. Cùng ngày 24-1, Bộ Ngoại giao Nga cũng bác bỏ thông tin của Hãng tin Bloomberg rằng Matxcơva sẽ không tấn công Ukraine trước ngày 20-2, ngày cuối cùng của Olympic mùa đông tại Trung Quốc. 

Người phát ngôn bộ này, bà Maria Zakharova, khẳng định không có chuyện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu Tổng thống Putin hoãn tấn công Ukraine trong thời gian diễn ra Olympic mùa đông.

Theo giới phân tích, việc Nga tấn công Ukraine sẽ không diễn ra vào thời điểm hiện tại cho dù Matxcơva đã điều động binh sĩ xuất hiện gần Ukraine từ nhiều hướng. Cách thức mà Nga đang sử dụng được một số nhà quan sát mô tả là "ngoại giao cưỡng ép", tức dùng sức mạnh quân sự để đạt được lợi thế trên bàn đàm phán.

Người Nga đã nói rất rõ trong nhiều tháng qua rằng mục tiêu của họ là NATO phải cam kết không kết nạp Ukraine và ngừng triển khai vũ khí, binh sĩ tới các nước Đông Âu. 

Rút kinh nghiệm của những năm 1990, Nga tuyên bố những cam kết của NATO phải mang tính ràng buộc pháp lý. Điều đó báo hiệu căng thẳng có thể sẽ không giảm chừng nào NATO có các động thái cho thấy họ sẵn sàng đối thoại với Nga về những cam kết này.

Báo New York Times cho rằng cánh cửa đối thoại về hai yêu cầu trên vẫn mở. Không có dấu hiệu nào cho thấy NATO sẵn sàng kết nạp Kiev trong 10 hoặc 20 năm nữa. 

Ngay cả Tổng thống Biden cũng thừa nhận điều này, và điều mà Mỹ muốn thể hiện với Nga là Matxcơva không có quyền phủ quyết đơn xin gia nhập của bất kỳ nước nào chứ không phải quyết tâm kết nạp Kiev.

Lãnh đạo Pháp, Nga sắp điện đàm

Theo thông báo từ Điện Elysee, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ điện đàm với Tổng thống Putin "trong vài ngày nữa" và đề xuất "lộ trình giảm căng thẳng" tại châu Âu.

Trước mắt, sẽ có một cuộc đàm phán giữa các quan chức Nga, Ukraine, Pháp và Đức tại Paris trong hôm nay (26-1). Cuộc gặp giữa bốn bên thuộc "Định dạng Normandy" cho thấy Pháp đang cố gắng giải quyết tình hình thông qua ngoại giao với các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên.

Một quan chức Pháp tiết lộ các đề nghị của Paris bao gồm Quốc hội Ukraine trì hoãn thông qua luật liên quan các tỉnh ly khai miền đông và Nga đưa ra tuyên bố công khai về ý định của mình để trấn an các nước.

Nga chỉ trích kế hoạch đưa thêm quân Mỹ tới châu Âu Nga chỉ trích kế hoạch đưa thêm quân Mỹ tới châu Âu

TTO - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Matxcơva sẽ theo sát mọi động thái của Mỹ quanh vấn đề Ukraine, và cho rằng việc Washington đặt 8.500 binh sĩ vào thế "cảnh giác cao độ" là làm leo thang căng thẳng.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Ukraine Nga NATO Mỹ
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp