21/04/2023 08:02 GMT+7

Mỹ muốn gì với gói hỗ trợ thứ 36 cho Ukraine?

Ngày 19-4, Washington công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD cho Kiev. Đây không chỉ là một gói vũ khí hỗ trợ giống như những đợt trước đó của Mỹ cho Ukraine mà còn có những điểm khác biệt đáng chú ý.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (đứng đan tay) thăm một triển lãm trưng bày các xe quân sự của Nga bị phá hủy tại Kiev (Ukraine) vào ngày 20-4 - Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (đứng đan tay) thăm một triển lãm trưng bày các xe quân sự của Nga bị phá hủy tại Kiev (Ukraine) vào ngày 20-4 - Ảnh: Reuters

Giống như những lần trước, đợt hỗ trợ này cũng bao gồm đạn dược bổ sung cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155mm và 105mm, hệ thống vũ khí chống thiết giáp AT-4, tên lửa tiên tiến và mìn chống xe tăng.

Nhưng đặc điểm chủng loại vũ khí và thời điểm công bố gói hỗ trợ gợi mở nhiều thông tin khác.

Động thái mới của phương Tây

Thứ nhất, tất cả vũ khí viện trợ sẽ được lấy từ các kho dự trữ của Lầu Năm Góc, vì vậy chúng có thể được nhanh chóng đưa ra tiền tuyến. Điều này hết sức quan trọng khi giao tranh ác liệt vẫn đang diễn ra ở miền đông Ukraine, nhất là xung quanh thị trấn Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk. 

Quân đội Ukraine được cho là đang phải chịu đựng các cuộc tấn công dữ dội của Nga khi cố gắng kềm chân lực lượng này ở đây.

Ngoài ra, thành phần vũ khí trong gói viện trợ lần này thiên về giúp Ukraine chống chọi các cuộc tấn công của Nga hơn là mang tính phản công. Hệ thống đạn pháo và tên lửa được viện trợ nhằm giúp tăng cường khả năng tấn công tầm xa và chính xác của Ukraine, giúp quân đội của họ chiếm ưu thế trong cận chiến và ngăn chặn bước tiến của quân Nga.

Điều này cũng được xác nhận trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken: "Gói hỗ trợ an ninh này bao gồm nhiều đạn dược hơn cho HIMARS và đạn pháo do Mỹ cung cấp, cũng như các hệ thống chống thiết giáp, vũ khí nhỏ, phương tiện hỗ trợ hậu cần và hỗ trợ bảo trì cần thiết để củng cố lực lượng phòng thủ của Ukraine trên chiến trường".

Cũng trong ngày 19-4, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksi Reznikov xác nhận Ukraine vừa nhận được hai hệ thống phòng không Patriot trên Twitter. Một do Mỹ viện trợ, và một do Đức và Hà Lan cùng tặng.

Đây là hệ thống tên lửa hiện đại đất đối không của Washington được thiết kế nhằm bắn hạ máy bay và tên lửa, từ lâu đã đứng đầu danh sách mong muốn của Kiev trước sự vượt trội của không quân Nga.

Vài tháng trước khi chiến tranh nổ ra, trong chuyến thăm Mỹ hai năm trước, ông Reznikov đã yêu cầu các nước phương Tây hỗ trợ Patriot. Tuy nhiên, phương Tây cũng đã đắn đo rất nhiều trước khi viện trợ cho Ukraine do Nga cảnh báo sẽ coi việc viện trợ vũ khí hiện đại cho Ukraine là hành vi khiêu khích Matxcơva.

Do đó, đây được coi là bước đi mới của phương Tây trong việc giúp cải thiện hệ thống phòng không của Ukraine.

Mỹ muốn nêu gương?

Điểm thứ hai, thời gian gói viện trợ xuất hiện cũng đáng chú ý khi nó được công bố chỉ một ngày trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, sẽ cùng tham dự cuộc họp ở căn cứ không quân Ramstein tại Đức với các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự từ gần 50 quốc gia để thảo luận và lên kế hoạch hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong thời gian tới.

Đây cũng là cuộc họp thứ 11 của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine kể từ khi được thành lập cách đây một năm.

Do đó, đợt cấp vũ khí này sẽ giúp "nâng uy tín" cho Mỹ khi họ lên tiếng kêu gọi các đồng minh và đối tác trong việc viện trợ cho Ukraine. Đến nay, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine khi đây là đợt viện trợ thiết bị vũ khí lần thứ 36 từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng, và nâng tổng số viện trợ quân sự của Mỹ lên gần 36 tỉ USD cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Tuy nhiên, khi nhìn vào khoảng cách giữa các lần viện trợ thì có vẻ Mỹ đang tăng tốc giúp Ukraine chuẩn bị cho các cuộc phản công sắp tới.

Đúng nửa tháng trước (ngày 4-4), Mỹ cũng công bố gói viện trợ thứ 35 từ nguồn dự trữ vũ khí Bộ Quốc phòng trị giá khoảng 500 triệu USD bao gồm đạn dược cho HIMARS, tên lửa đánh chặn phòng không và đạn pháo, cũng như các hệ thống chống thiết giáp, vũ khí nhỏ và phương tiện vận chuyển thiết bị hạng nặng.

Ngoài ra, Mỹ cũng viện trợ thêm 2,1 tỉ USD cho hệ thống phòng không Ukraine từ Quỹ Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI).

Xác nhận thông tin trong tài liệu mật rò rỉ?

Việc cung cấp vũ khí lần này dường như cũng đã xác nhận những đánh giá ảm đạm về cuộc chiến của các quan chức Mỹ trong vụ rò rỉ thông tin mật của Lầu Năm Góc gần đây cho rằng Ukraine không có đủ quân đội, thiết bị hoặc đạn dược và kho dự trữ tên lửa có thể cạn kiệt ngay vào cuối tháng này hoặc tháng 5.

Mỹ cần viện trợ gấp cho Ukraine trước khi mọi thứ trở nên quá muộn ở chiến trường miền đông. Matxcơva đã kiểm soát khoảng một nửa Donetsk và nếu họ chiếm được Bakhmut sẽ là bước đệm để chiếm nửa còn lại.

Ngoại trưởng Blinken nói thêm trong tuyên bố viện trợ: "Nga có thể kết thúc cuộc chiến của mình ngay hôm nay. Cho đến khi Nga làm được điều đó, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi sẽ đoàn kết với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể".

Ủng hộ của người Mỹ về viện trợ Ukraine có thay đổiỦng hộ của người Mỹ về viện trợ Ukraine có thay đổi

Khoảng 26% người Mỹ cho rằng nước Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine. 31% cho rằng Mỹ giúp như vậy là vừa phải và 20% muốn Mỹ giúp Ukraine hơn nữa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp