Tập đoàn năng lượng Chevron sẽ tiếp tục khai thác dầu ở Venezuela - Ảnh: GETTY IMAGES
Chevron là công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Mỹ, cũng là công ty dầu mỏ cuối cùng của Mỹ còn hoạt động ở Venezuela.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Công ty dầu mỏ Petróleos de Venezuela (PDVSA) của nhà nước Venezuela sẽ không được hưởng hoa hồng từ hoạt động kinh doanh của Chevron.
Chevron là đối tác với PDVSA trong một số liên doanh khai thác, xử lý và xuất khẩu dầu mỏ. Liên doanh này sản xuất khoảng 200.000 thùng dầu thô mỗi ngày và xuất khẩu dầu thô đi khắp thế giới trước khi Venezuela bị trừng phạt.
Động thái của Mỹ đến sau khi chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập Venezuela phá vỡ thế bế tắc chính trị bằng việc ký thỏa thuận ngày 26-11.
Thỏa thuận này đã chấm dứt 15 tháng bế tắc giữa hai bên, có khả năng làm giảm bớt một lượng lớn người tị nạn từ Venezuela trong khu vực và thậm chí tác động đến thị trường dầu mỏ thế giới.
Theo Hãng tin AFP, thỏa thuận mở đường cho Liên Hiệp Quốc giám sát quỹ tín thác gồm các tài sản bị đóng băng của chính quyền ông Maduro, nhằm sử dụng cho các dự án xã hội tại Venezuela, như giáo dục, y tế, an ninh lương thực, lũ lụt và điện.
Ông Dag Nylander, phái viên Liên Hiệp Quốc đến từ Na Uy, tiết lộ thỏa thuận có thể giải phóng 3 tỉ USD trong số hơn 20 tỉ USD bị phong tỏa.
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa ông Maduro và phe đối lập chưa nhắc đến cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm 2024.
Giấy phép khai thác của Chevron sẽ có hiệu lực trong 6 tháng để chính quyền ông Biden đánh giá chính quyền của ông Maduro có đáp ứng các cam kết trong thỏa thuận hay không.
Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động của Chevron tại Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, sẽ cho phép quốc gia này tiến tới việc tái gia nhập thị trường dầu mỏ toàn cầu. Cũng có ý kiến cho rằng Chính phủ Mỹ cấp giấy phép cho Chevron để đối phó với việc Nga bị hạn chế xuất khẩu dầu và OPEC quyết định cắt giảm sản lượng.
Các nước Canada, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu ra tuyên bố chung, cam kết "sẵn sàng xem xét lại các lệnh trừng phạt" đối với Venezuela, nhưng yêu cầu nước này trả tự do cho các tù nhân chính trị, tôn trọng tự do báo chí và đảm bảo sự độc lập của các cơ quan tư pháp và bầu cử.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela bắt đầu từ việc ông Maduro tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2018. Theo truyền thông phương Tây, cuộc bầu cử này bị nhiều người coi là gian lận và khiến dân chúng biểu tình phản đối.
Sau cuộc bầu cử này, gần 60 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido làm quyền tổng thống.
Ảnh hưởng của lãnh đạo đối lập Guaido đã suy yếu trong những năm gần đây. Ông đã mất các đồng minh quan trọng cả trong và ngoài khu vực.
Trong khi đó, phía ông Maduro muốn cộng đồng quốc tế công nhận ông là tổng thống hợp pháp và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đặc biệt là lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ và đóng băng tài sản ở nước ngoài của Venezuela.
Truyền thông phương Tây cho rằng mặc dù có trữ lượng dầu khổng lồ, Venezuela vẫn phải chịu cảnh đói nghèo và khủng hoảng chính trị. Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 7 triệu người Venezuela phải rời bỏ đất nước trong những năm gần đây. Thực phẩm, thuốc men và những thứ cơ bản như xà phòng và giấy vệ sinh thường thiếu hụt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận