02/11/2023 08:16 GMT+7

Mỹ loay hoay giữa Israel và Ukraine

Kế hoạch chi tiêu của Mỹ tiếp tục là chủ đề tranh cãi và bế tắc, phản ánh bất đồng trong ưu tiên chính sách đối ngoại của nước này với Israel và Ukraine.

Người dân Palestine đang tìm kiếm thi thể nạn nhân trong các ngôi nhà ở trại tị nạn Jabalia, phía bắc Dải Gaza, bị Israel không kích (ảnh chụp ngày 1-11) - Ảnh: Reuters

Người dân Palestine đang tìm kiếm thi thể nạn nhân trong các ngôi nhà ở trại tị nạn Jabalia, phía bắc Dải Gaza, bị Israel không kích (ảnh chụp ngày 1-11) - Ảnh: Reuters

Hôm 30-10 (giờ Mỹ), các dân biểu Cộng hòa trình dự luật cấp thêm khoản viện trợ 14,3 tỉ USD cho Israel. Tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết ông hy vọng sẽ có cuộc bỏ phiếu về dự luật này vào ngày 2-11.

Đảng Cộng hòa chỉ muốn giúp Israel

Mặc dù việc ủng hộ Israel là lập trường chung giữa hai đảng, nhưng cách phân bổ tài chính của Đảng Cộng hòa đang bị Đảng Dân chủ và cả một số đảng viên Cộng hòa phản đối. Dự luật này là một trong những hoạt động chính sách lớn đầu tiên của ông Johnson trên cương vị mới. Chính trị gia này nhậm chức với khối lượng công việc chất chồng sau nhiều tuần Hạ viện không thể hoạt động vì thiếu chủ tịch.

Trong dự luật, Đảng Cộng hòa muốn chi 14,3 tỉ giúp Israel nhưng sẽ cắt khoản tài trợ 14,5 tỉ USD cho Sở thuế vụ Liên bang Mỹ (IRS) và cũng không đề cập chuyện viện trợ cho Ukraine. Điều này khiến các đảng viên Dân chủ thất vọng.

Trước đó hôm 20-10, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội xem xét dự luật chi tiêu trị giá gần 106 tỉ USD. Gói này bao gồm nhiều vấn đề, từ an ninh biên giới, hỗ trợ nhân đạo, viện trợ nước ngoài cho Ukraine, Israel, cho tới giúp đỡ "các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (chủ yếu là Đài Loan)". Chính quyền ông Biden muốn gộp chung một gói viện trợ cho cả Ukraine lẫn Israel, nhưng Đảng Cộng hòa tại Hạ viện lần này chỉ muốn giúp Israel.

Điều trần trước Ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ ngày 31-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tìm cách thuyết phục Thượng viện chấp nhận gói 106 tỉ USD của ông Biden. Họ cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của việc không thể giúp đỡ Ukraine và Israel, và rằng điều này sẽ đe dọa an ninh của Mỹ cũng như thế giới.

Nguy cơ bế tắc

Dự luật của Đảng Cộng hòa phản ánh phần nào quan điểm của họ trong cách chi tiêu ngân sách cũng như chính sách đối ngoại. Và tình trạng bế tắc có thể xảy ra, trước hết vì dự luật này nhiều khả năng không được thông qua.

Đảng Dân chủ chỉ trích Đảng Cộng hòa làm trì trệ kế hoạch hỗ trợ Israel khi đưa ra một kế hoạch khó đạt được đồng thuận. Ngay cả lãnh đạo của Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell cũng nói ông cảm thấy có tới bốn vấn đề cần được đề cập, bao gồm Ukraine, Israel, Đài Loan và an ninh biên giới.

Nhà Trắng ngày 31-10 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phủ quyết dự luật nói trên nếu nó chỉ cấp viện trợ cho Israel mà không cấp cho Ukraine, kể cả khi dự luật này đã được lưỡng viện thông qua.

Mỹ loay hoay giữa Israel và Ukraine - Ảnh 2.

Hai khác biệt lớn nhất giữa Cộng hòa và Dân chủ là quan điểm về Ukraine và chi tiêu công. Đảng Dân chủ muốn chi tiền cho mọi thứ, còn Đảng Cộng hòa chú trọng cân đối ngân sách. Phe Cộng hòa cơ bản không ủng hộ chuyện tiếp tục đổ tiền vào Ukraine, nhất là khi ông Biden muốn dành hơn 50% của gói 106 tỉ USD cho Ukraine.

Ngoài ra, người Cộng hòa muốn cắt 14,5 tỉ USD trong số 80 tỉ USD tài trợ cho Sở thuế vụ IRS, và điều này bị xem là nỗ lực mang tính biểu tượng nhắm vào đạo luật giảm lạm phát của chính quyền ông Biden. Phe Dân chủ cáo buộc đối thủ muốn "chính trị hóa an ninh quốc gia", lợi dụng tình thế để cắt tài trợ cho IRS. Họ cũng tố phe Cộng hòa muốn làm lợi cho việc đóng thuế của người giàu và tạo tiền lệ nguy hiểm cho việc gây quỹ bằng cách cắt các chương trình cần thiết khác.

Những tranh cãi cũng đồng nghĩa kế hoạch chi tiêu của Mỹ khó được giải quyết sớm, và thông tin này rõ ràng không vui với Israel. Tại cuộc điều trần của ông Blinken và ông Austin đã xuất hiện nhiều người biểu tình phản đối Israel. Họ hét lên những câu như "ngừng bắn ngay" và "hãy để Gaza được sống".

Các cuộc biểu tình phản đối Israel đã lan rộng, từ đường phố của nhiều quốc gia phương Tây cho tới tận cơ quan lập pháp Mỹ. Trong ngày 31-10 và 1-11, nhiều nước Nam Mỹ bắt đầu hành động. Bolivia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, trong khi Chile và Colombia đều triệu hồi đại sứ về nước. Cuộc chiến càng kéo dài, áp lực quốc tế dành cho Israel càng lớn.

Người nước ngoài bắt đầu được rời Gaza

Theo Hãng tin AFP, trong ngày 1-11, hàng trăm người có quốc tịch nước ngoài hoặc người Palestine có hai quốc tịch đã bắt đầu được sơ tán khỏi Gaza.

Vào sáng cùng ngày, khoảng 545 người đã có mặt tại cửa khẩu Rafah (nối với Ai Cập) và xếp hàng chờ kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ. Mặc dù cửa khẩu Rafah đã được mở cho hàng cứu trợ, nhưng đây là lần đầu tiên người dân được phép đi qua kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào ngày 7-10. Ai Cập cũng chuẩn bị xe cứu thương để tiếp nhận khoảng 90 người bệnh và bị thương từ Dải Gaza.

Thỏa thuận mở cửa khẩu Rafah cho việc sơ tán hạn chế khỏi Gaza là kết quả của cuộc đàm phán giữa Ai Cập, Israel và Hamas thông qua nỗ lực trung gian của Qatar và có sự điều phối với Mỹ.

Liên Hiệp Quốc: Israel tấn công trại tị nạn cấu thành tội ác chiến tranhLiên Hiệp Quốc: Israel tấn công trại tị nạn cấu thành tội ác chiến tranh

Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về quyền con người khẳng định các cuộc tấn công của Israel nhắm vào trại tị nạn Jabalia có thể cấu thành tội ác chiến tranh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp