Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - Ảnh: REUTERS
Trong tuyên bố được đưa ra trên Twitter chính thức rạng sáng 1-3, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng "nhân dân Myanmar dũng cảm" và kêu gọi các nước khác cùng lên tiếng ủng hộ.
"Chúng tôi lên án hành động bạo lực ghê tởm của các lực lượng an ninh Myanmar đối với người dân Miến Điện và sẽ tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người chịu trách nhiệm", ông Blinken nhấn mạnh.
Ngay sau tuyên bố của ông Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng ra tuyên bố nhấn mạnh những người đã tham gia "các vụ đàn áp" và đảo chính sẽ tiếp tục bị trừng phạt. Ông Sullivan xác nhận Washington đang chuẩn bị "các hành động bổ sung" và sẽ tiến hành trong những ngày tới.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới để buộc những kẻ gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm", cố vấn của Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh.
Ít nhất 18 người đã chết, hàng chục người khác bị thương khi cảnh sát Myanmar - dưới sự hỗ trợ của quân đội - xả súng vào các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar trong ngày 28-2. Hãng tin Reuters mô tả đây là ngày đẫm máu nhất đối với phong trào biểu tình phản đối đảo chính quân sự.
Trong số những người thiệt mạng ở Yangon có kỹ sư mạng Internet Nyi Nyi Aung Htet Naing. Một ngày trước khi chết, Nyi Nyi Aung Htet Naing đã chất vấn Liên Hiệp Quốc trên Facebook rằng tổ chức này cần bao nhiêu xác chết nữa ở Myanmar để hành động, theo Reuters.
Tờ Global New Light Of Myanmar của quân đội Myanmar cảnh báo "sẽ có hành động nghiêm khắc chống lại những người biểu tình bạo loạn". Cũng theo tờ này, quân đội trước đó đã thể hiện sự kiềm chế, nhưng không thể bỏ qua "đám côn đồ vô chính phủ".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước thành viên lên tiếng và làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn tình trạng bạo lực tại Myanmar. "Tổng thư ký kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau gởi một tín hiệu rõ ràng tới quân đội Myanmar rằng họ phải tôn trọng ý chí của người dân Myanmar đã được thể hiện thông qua bầu cử và ngừng đàn áp", tuyên bố có đoạn nêu rõ.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội giành chính quyền và bắt giữ lãnh đạo chính phủ dân cử Aung San Suu Kyi cùng nhiều lãnh đạo chính trị khác vào ngày 1-2. Những người này bị cáo buộc các tội danh không liên quan đến cáo buộc gian lận bầu cử mà quân đội Myanmar đã sử dụng để làm cớ đảo chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận