Lực lượng Iraq nã tên lửa vào vị trí của phiến quân IS bên ngoài thành phố Tikrit - Ảnh: AFP |
Theo báo New York Times, phát biểu trong chuyến thăm Estonia, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: “Nếu cộng đồng quốc tế chung sức, chúng ta sẽ hạn chế được tầm ảnh hưởng, hiệu quả, năng lực tài chính và quân sự của IS. Vấn đề là chúng ta phải có chiến lược đúng đắn và ý chí quốc tế để làm điều đó”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết đang vận động lập liên minh toàn cầu chống IS. Ông Kerry cho biết trong những ngày tới sẽ công du các nước châu Âu và Trung Đông để thúc đẩy việc thành lập liên minh.
Mặt trận phức tạp
Người góp công, nơi góp của Mới đây ngoại trưởng Mỹ đã điện đàm với người đồng cấp các nước Úc, Ý, Jordan, Qatar và UAE về liên minh chống IS. Ngoài ra, ông Obama cũng sẽ cử Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và điều phối viên chống khủng bố Nhà Trắng Lisa Monaco tới Trung Đông. “Mỹ muốn hợp tác với nhiều quốc gia có cùng nguyện vọng chống IS. Một số nước không ở thế giới Ả Rập và châu Âu cũng đã đề nghị đóng góp nguồn lực để chống IS” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tiết lộ. |
Ngày 25-9, ông Obama sẽ chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về mối đe dọa từ các tay súng nước ngoài ở Syria và Iraq.
Bất cứ một liên minh nào do Mỹ lãnh đạo cũng cần sự hỗ trợ của châu Âu. Báo Guardian đưa tin mới đây, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond tuyên bố chính quyền London không loại trừ khả năng sẽ tham gia chiến dịch không kích các mục tiêu IS ở Iraq.
Đến nay, Anh mới chỉ thực hiện các chuyến bay do thám ở Iraq để hỗ trợ các cuộc không kích của Mỹ.
Tổng thống Pháp François Hollande cũng đánh giá cần giải pháp can thiệp quân sự vào Syria để đối phó với IS. Trên thực tế, Anh, Pháp, Đức và Ý đều đã cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Iraq để chống IS.
Bên ngoài châu Âu, Úc đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quyết tâm đối phó với mối đe dọa từ Syria và Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO với không lực hùng mạnh, cũng là một ứng cử viên lớn. Iran chống IS và ủng hộ chính phủ mới ở Iraq đã ra tay can thiệp.
Lực lượng Vệ binh cộng hòa Iran đã hỗ trợ quân đội Iraq phá vỡ thế bao vây của các tay súng IS tại thị trấn Amerli.
Truyền thông quốc tế những ngày qua liên tục đăng tải bức ảnh ông Qassem Suleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Vệ binh cộng hòa Iran, có mặt tại Amerli. Giới quan sát đánh giá Iran cũng có thể chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ. Nhưng nhiều khả năng bất kỳ mô hình hợp tác nào giữa Mỹ và Iran cũng sẽ diễn ra bí mật.
Các nước Ả Rập lại là một vấn đề khác. Chính quyền UAE tuyên bố đã sẵn sàng “thực hiện các biện pháp cần thiết”. Tuy nhiên giới quan sát nhận định UAE, Qatar và Saudi Arabia chỉ có thể ngăn chặn dòng binh sĩ và tài chính đổ vào Syria và Iraq. Các nước này chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lo ngại việc tiêu diệt IS sẽ đem lại lợi ích cho ông al-Assad cũng như Iran.
Thách thức quá lớn
Một vấn đề đau đầu khác của Chính phủ Mỹ là vấn đề Syria. Cả Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và UAE đều muốn lật đổ ông al-Assad. Chính quyền mới ở Iraq do thân Iran nên không ủng hộ yêu sách đó.
Washington lại không muốn hợp tác với chính quyền Damascus trong cuộc chiến chống IS. Như vậy, Mỹ sẽ không có một đối tác cần thiết tại thực địa khi mở chiến dịch không kích các mục tiêu IS tại Syria.
Khó khăn lớn nhất của chính quyền Obama ở thời điểm này là phải phân chia nguồn lực ở ba mặt trận cùng lúc. Đó là chiến dịch “tái cân bằng” tại châu Á - Thái Bình Dương để cạnh tranh với một Trung Quốc đầy tham vọng chủ quyền, giải quyết nguy cơ chiến tranh lạnh mới với Nga vì khủng hoảng Ukraine và đối phó với IS.
Một số chuyên gia phương Tây nhận định hiếm có tổng thống Mỹ nào phải đối mặt với hàng loạt thách thức đối ngoại lớn đến thế trong thời điểm ngân sách quốc phòng Mỹ đang bị thu hẹp.
Liệu có khả năng Mỹ sẽ cầu viện sự hỗ trợ của Nga dù phương Tây đang siết chặt vòng cấm vận Matxcơva vì khủng hoảng Ukraine?
Mới đây kênh truyền hình Ả Rập Al-Arabiya vừa phát sóng đoạn video cảnh một thủ lĩnh IS đe dọa đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin vì hỗ trợ chính quyền al-Assad. Tay súng IS thề sẽ “giải phóng” Chechnya và cả vùng Caucasus, nơi có dân số Hồi giáo đông đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận