Đại sứ Mỹ tại Campuchia Patrick Murphy (thứ hai từ trái sang) trong buổi thông báo phần hỗ trợ 7,5 triệu USD cho Campuchia chống dịch COVID-19, tổng cộng đến nay là 11 triệu USD - Ảnh: TWITTER
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một "think-tank" có tiếng của Mỹ, đã tiến hành cuộc khảo sát nói trên vào cuối năm 2019. Có 188 học giả quan hệ quốc tế và chuyên gia phi chính phủ đến từ Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đã cho ý kiến.
Kết quả cho thấy có 53% số người được hỏi đánh giá cao vai trò của Trung Quốc, cao hơn con số 46% dành cho Mỹ, và dự báo khoảng cách này sẽ tiếp tục bị nới rộng trong những năm tới.
Mặc dù vậy, trong báo cáo được công bố ngày 9-6, nhóm nghiên cứu tin rằng đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi quan điểm ở Đông Nam Á so với thời điểm cuộc khảo sát được tiến hành.
Mỹ ra sức xoay chuyển
Trong nhiều năm liền, các học giả chấp nhận quan điểm các nước Đông Nam Á phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế nhưng luôn tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Lý do chính là các chiến lược tiếp cận khu vực của Mỹ đều thiếu trụ cột kinh tế. Khoảng trống đó vẫn chưa được khỏa lấp đến tận ngày nay, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
COVID-19 xuất hiện đã cho Mỹ một cơ hội giành lấy sức mạnh mềm tại Đông Nam Á bằng các khoản viện trợ y tế và những ý tưởng về chuỗi cung ứng không có Trung Quốc.
Tính đến đầu tháng 5, Mỹ đã viện trợ 57,5 triệu USD cho Đông Nam Á trong cuộc chiến với COVID-19, chủ yếu tăng cường năng lực xét nghiệm. Các văn phòng đại diện của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) tại ASEAN đóng vai trò như một trung tâm tham vấn cách đối phó đại dịch.
"Mạng lưới thịnh vượng kinh tế" - sáng kiến mới nhất của Washington - đã thu hút sự chú ý của Đông Nam Á, những nước tin rằng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng các công ty rời khỏi Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 đã khiến Mỹ và các nước nhận ra cái giá của việc phụ thuộc quá nhiều vào các mặt hàng Trung Quốc, từ đó dẫn đến ý tưởng tái cấu trúc chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
Cả Mỹ và Đông Nam Á đều có lợi trong việc này. Với các nước trong khu vực, lợi ích kinh tế là điều dễ thấy nhất; trong khi với Mỹ, lợi ích chiến lược chính là việc giảm bớt được sự lệ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.
Chia rẽ vì Trung Quốc
Cuộc khảo sát của CSIS cho thấy có sự khác biệt sâu sắc giữa các nước ASEAN về câu hỏi Trung Quốc có lợi hay có hại cho khu vực. Phần lớn đều cho rằng có lợi, nhưng tỉ lệ này giảm xuống đáng kể tại Việt Nam và Philippines.
Khoảng 94,5% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc là một trong 3 quốc gia có quyền lực và ảnh hưởng chính trị nhất ở Đông Nam Á hiện nay, trong khi chỉ 92% chọn Mỹ. Về kinh tế, có tới 98% cho rằng Trung Quốc có sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế nhất đối với Đông Nam Á vào thời điểm hiện tại, bỏ xa tỉ lệ 70,6% của Mỹ.
Có một điều dễ nhận thấy là các nước Đông Nam Á hầu như im lặng trong việc chỉ trích Trung Quốc trong COVID-19, thay vào đó là những lời đầy ngoại giao cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến từ những lãnh đạo của Campuchia, Myanmar, Malaysia hay Singapore.
Bà Sophie Boisseau du Rocher, nghiên cứu viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu châu Á (Pháp), nhận định rõ ràng có sự dè dặt đối với Trung Quốc ở Đông Nam Á. Thái độ đó được lý giải bằng hai điều: thứ nhất, sức mạnh mềm của Bắc Kinh đang mạnh hơn Washington; và thứ hai, tâm lý lo sợ việc có thể bị Trung Quốc trả đũa nếu phản ứng mạnh.
Một số học giả cho rằng nếu Mỹ đang tìm kiếm các tiếng nói phản đối Trung Quốc công khai và mạnh mẽ hơn từ Đông Nam Á thì điều đó là bất khả thi vào thời điểm hiện tại, và Washington cần hiểu rằng Đông Nam Á cần giữ sự im lặng khi ở cạnh người khổng lồ đang nắm giữ hầu bao của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận