Người dân xuống đường biểu tình ở trung tâm thủ đô London (Anh) ngày 7-4, theo lời kêu gọi của Liên minh Stop the war chống lại việc Mỹ bắn phá Syria - Ảnh: Reuters |
Quyết định phát động cuộc tấn công bằng hàng chục tên lửa Tomahawk của Tổng thống Donald Trump cho thấy một nước Mỹ chưa hẳn đã thoái lui khỏi vũ đài chính trị thế giới.
Không khó để bắt được những cảm xúc hài lòng, đại loại như “công lý đã được thực thi” xen lẫn sự phẫn nộ khi những quả tên lửa Mỹ rơi xuống lãnh thổ Syria rạng sáng 7-4.
Nhưng cũng chẳng mấy khó khăn để tập hợp những câu hỏi “trăn trở” ở nước Mỹ: quyết định của ông Trump có hợp hiến?
Liệu cuộc tấn công có chăng chỉ là một hành động bốc đồng mang tính trả đũa và không hề liên quan tới một chiến lược lớn hơn để giải quyết vấn đề ở Syria - quốc gia đang chìm sâu không chỉ trong cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người, mà còn bởi cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)?
Thậm chí có người còn đặt ra thuyết âm mưu, nói thực chất đó là một hành động ra uy, “dằn mặt” của người Mỹ trước Nga và Trung Quốc.
Khoan hãy bàn về chuyện ai đứng đằng sau vụ tấn công hóa học ở Khan Sheikhoun - điều mà tổng thống Mỹ tuyên bố là lý do khiến ông phát động cuộc tấn công, hãy nói về những tính toán và chiến lược dài hơi của Washington ở Syria trong tương lai.
Cho đến bây giờ, vẫn chưa có dấu hiệu hay tuyên bố nào của tổng thống Mỹ chỉ ra rằng ông đã suy tính kỹ đến hậu quả chiến lược của cuộc tấn công bằng tên lửa, hay vạch ra những việc cần làm tiếp theo ở Syria.
Đối với một con người từng giương cao khẩu hiệu “Người Mỹ trên hết” để tránh các xung đột ở nước ngoài và liên tục cảnh báo người tiền nhiệm Barack Obama, chống lại các hành động quân sự ở Syria, ông Trump đã thực hiện cú chuyển mình ngoạn mục.
“Chúng ta sẽ không tìm cách áp đặt cách sống của mình vào bất cứ ai, mà để nó tỏa sáng như một tấm gương. Chúng ta sẽ tỏa sáng cho mọi người noi theo” - ông Trump từng tuyên bố như thế trong diễn văn nhậm chức ngày 20-1. Và giờ, có lẽ ông Trump nên nghĩ lại những gì đã tuyên bố.
Hành động tấn công một quốc gia có chủ quyền và được Liên Hiệp Quốc công nhận như Syria là điều không thể chấp nhận được trong luật quốc tế. Nhưng trong bàn cờ chính trị của các cường quốc, điều đó không có ý nghĩa.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định vụ tấn công không phải là tín hiệu cho một chiến lược quân sự mới của Mỹ ở Syria, nơi đã có hơn 1.000 lính Mỹ hiện diện trong cuộc chiến chống lại IS.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói đó là sự cảnh báo, rằng “Mỹ đã chuẩn bị sẽ làm nhiều hơn nữa, nhưng hi vọng sẽ không cần thiết phải làm như thế”.
Tác động chiến thuật của cuộc đánh phủ đầu bằng tên lửa vừa qua đã rõ, một số máy bay quân sự của Syria bị phá hủy, nhưng hành động quân sự ngày 7-4 cũng chuyển trọng tâm chú ý ở Mỹ khỏi bê bối nghi án Nga can thiệp bầu cử và mối quan hệ của ông Trump cùng bộ sậu với người Nga.
Nó cũng cải thiện hình ảnh của nhà lãnh đạo Mỹ ở các quốc gia đồng minh thuộc Trung Đông.
Nhưng mặt khác, nó cũng khiến chính quyền ông Trump khó đạt được mục tiêu cải thiện quan hệ với Matxcơva, dù trước cuộc không kích, với hi vọng có thể tránh một cuộc đối đầu về quân sự, Washington đã thông báo cho Nga về cuộc không kích vào Syria.
Sẽ còn nhiều chuyện để bàn khi ông Trump quyết định tấn công mà không cần thông qua sự cho phép của quốc hội.
Như tờ New York Times của Mỹ nhận xét: “Cần phải có một chiến lược toàn diện và sự ủy quyền của quốc hội cho bất kỳ hành động quân sự nào trong tương lai. Có rất nhiều rủi ro mà một tổng thống Mỹ không thể tự quyết một mình”.
Quốc hội Mỹ gây áp lực Quyết định cho bắn tên lửa của ông Trump để ngăn chặn cái gọi là các hoạt động sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad được đa số nghị sĩ Mỹ đồng tình, nhưng họ cũng đồng thanh cho rằng 59 quả tên lửa Tomahawk đã bắn đi ấy không phải là “chiến lược lâu dài”. Nay họ không muốn ông Trump theo bước tổng thống Barack Obama, khi tự mình quyết định đưa quân tham chiến chống IS tại Iraq và Syria năm 2014 mà không thông qua quốc hội. “Nếu muốn quyết định tham chiến dài lâu thì phải thông qua quốc hội” - thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, nêu rõ hôm 7-4 (giờ Mỹ). Trong khi đó, chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện John McCain một mặt cho rằng quyết định của Lầu Năm Góc là “công bằng và thích đáng” và là bước đi đầu tiên “đáng tin cậy” của chính quyền, nhưng cũng thừa nhận tổng thống cần tham vấn với quốc hội về quyết định tăng cường chiến dịch quân sự của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này. Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ Ben Cardin, nêu rõ vụ tấn công bằng tên lửa hành trình đã gửi đi những thông điệp rõ ràng. Tuy nhiên như vậy là chưa đủ, vì việc mở rộng hoạt động quân sự hoặc lâu dài hơn tại Syria cần phải tham vấn quốc hội. Trong khi đó, nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Barbara Lee - một trong những nhân vật thuộc phe chống chiến tranh cùng với một số nghị sĩ Cộng hòa, từng phản đối cựu tổng thống Barack Obama khi ông tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội đối với hành động can thiệp quân sự tại Syria hồi năm 2013 - đã tuyên bố thẳng: “Đây là hành động chiến tranh”. Theo chính khách này, quốc hội cần phải được triệu tập ngay lập tức để thảo luận về các diễn biến mới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận