Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu về "Quan hệ với Ấn Độ trong thế kỷ tới" tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington ngày 18-10 - Ảnh: REUTERS
Ngày 18-10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Ấn Độ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington.
Phát biểu chỉ vài ngày trước chuyến thăm New Delhi vào tuần tới, ông Tillerson nhấn mạnh: "Mỹ và Ấn Độ ngày càng trở thành các đối tác toàn cầu với sự tập trung chiến lược ngày một tăng".
"Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn đang nổi lên dựa trên cam kết chung của hai nước về việc bảo vệ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, các giá trị toàn cầu và tự do mậu dịch. Các vấn đề an ninh nào liên quan tới Ấn Độ cũng sẽ liên quan tới Mỹ" - Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ.
Đề cao vai trò của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Tillerson nói rằng Washington cần hợp tác với New Delhi để đảm bảo khu vực này ngày càng trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng thay vì hỗn loạn và xung đột.
Ông Tillerson nói rằng Mỹ muốn cải thiện năng lực quân sự của Ấn Độ. Nhà ngoại giao Mỹ đề xuất sẽ bán các máy bay trinh sát không người lái, công nghệ tàu sân bay cùng các máy bay chiến đấu F-18 và F-16 cho New Delhi.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu trên, ông Tillerson đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc. Vị Ngoại trưởng Mỹ nói rằng trong khi ngày một trỗi dậy, Trung Quốc lại cho thấy "thiếu trách nhiệm, làm suy mòn trật tự dựa trên luật pháp quốc tế".
Các động thái khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông thách thức trực tiếp luật pháp và các nguyên tắc quốc tế mà Mỹ cùng Ấn Độ đều ủng hộ"
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Ông Tillerson nhấn mạnh rằng Mỹ muốn tìm kiếm quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc. Tuy nhiên, không vì thế mà Mỹ sẽ im lặng trước các động thái thách thức luật pháp quốc tế của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia láng giềng.
Ngoại trưởng Mỹ còn chỉ trích cách thức Trung Quốc đầu tư vào các nước láng giềng. Ông nói rằng các dự án hạ tầng được Bắc Kinh cung cấp tài chính tạo ra rất ít việc làm cho người dân địa phương và chỉ khiến họ nợ chồng chất.
Báo Los Angeles Times bình luận rằng ông Tillerson đã sử dụng bài phát biểu về Ấn Độ như một cơ hội để chỉ trích Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh "được nước lấn tới".
Phát ngôn của ông Tillerson được đưa ra trùng thời điểm Trung Quốc tổ chức Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Việc Mỹ mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác hơn với Ấn Độ chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại.
Nhìn chung, quan hệ Mỹ - Ấn tiến triển tốt đẹp trong thập niên qua, một phần cũng bởi các lo ngại chung của hai nước trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngay tại buổi khai mạc Đại hội đảng lần thứ 19 vào ngày 18-10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng đến lúc Trung Quốc "giữ vai trò trung tâm thế giới và đóng góp to lớn cho nhân loại".
Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có một cuộc gặp được đánh giá "nồng ấm" tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định quan hệ Mỹ - Ấn vẫn còn nhiều chỗ để ngỏ cho đến khi bài phát biểu ngày 18-10 của ông Tillerson.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) ôm Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 26-6 năm nay - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận