Tàu hải quân Mỹ, Pháp, Anh, Chile, Peru tham gia diễn tập trên Thái Bình Dương - Ảnh: Reuters
46 tàu và tàu ngầm, 200 máy bay và 25.000 binh lính đổ về Hawaii tham gia cuộc tập trận hàng hải lớn nhất hành tinh kéo dài từ ngày 27-6 đến 2-8 với vô số hoạt động diễn tập từ chống tàu ngầm, tên lửa, phòng không, đổ bộ cho đến chống cướp biển.
Trung Quốc không được mời do liên quan việc nước này đưa tên lửa ra Trường Sa và máy bay ném bom H-6K ra đảo Phú Lâm.
Kết bạn
Mỹ khẳng định cuộc tập trận nhằm "xây dựng các mối quan hệ", trong đó một số nước khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ lần đầu tham gia hoặc đóng góp nhiều hơn như Việt Nam, Malaysia và Philippines.
"Quân phục, gương mặt, văn hóa khác nhau nhưng chúng ta có chung mục đích tại đây" - đô đốc John C. Aquilino, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nhấn mạnh.
Việc Trung Quốc vắng mặt lần này càng tạo điều kiện để Mỹ xây dựng tình bạn với các đối trọng của Bắc Kinh cũng như là dịp để các nước ASEAN thể hiện sự ủng hộ đối với Washington.
"Các nước ASEAN có lẽ không dám đi cùng Hải quân Mỹ qua các vùng biển tranh chấp nhưng họ sẵn sàng tập trận cùng Hải quân Mỹ và thể hiện sự đồng lòng qua cách đó" - đài CNN dẫn lời nhà nghiên cứu Peter Layton của Viện châu Á Griffith tại Úc giải thích.
"Việt Nam lần đầu tiên tham gia năm nay rất đáng lưu ý. Sự tham gia của Philippines cũng cho thấy họ muốn đi nước đôi và nhắc Bắc Kinh rằng mình còn các lựa chọn khác" - ông Layton nói.
Ngoài Đông Nam Á, Mỹ cũng trao nhiều vai trò chỉ huy quan trọng trong cuộc tập trận cho đô đốc từ các đồng minh như Nhật, Úc, Canada và Chile. "Xây dựng niềm tin trong RIMPAC sẽ hữu ích khi chúng ta cùng nhau đối phó với khủng hoảng xuất hiện".
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh sự phản đối Trung Quốc ngày càng lớn thời gian qua. Tại Đối thoại Shangri-la 2018, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh... đã đồng lòng chỉ trích các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
London, Paris cũng tổ chức các chiến dịch hải quân, cùng Mỹ thách thức hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh.
Mới đây, Úc "chọc giận" Trung Quốc khi tuyên bố đầu tư hơn 6 tỉ USD mua máy bay do thám không người lái MQ-4C Tritons của Mỹ để tăng cường giám sát trên Biển Đông mà Canberra khẳng định mình có quyền tự do đi lại.
Dậy sóng?
Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo việc Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham dự RIMPAC có thể mất tác dụng cảnh báo, thay vào đó tạo phản ứng ngược trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang nhiều mặt, nếu không đi kèm một chiến lược cụ thể.
Trung Quốc dù không có cuộc tập trận nào sánh được với RIMPAC, đã tranh thủ tổ chức hai đợt tập trận "dằn mặt", bao gồm loạt diễn tập hải quân bắn đạn thật ngoài khơi Đài Loan từ ngày 17-6.
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận là thông điệp nhắm đến những thành phần gây chia rẽ ủng hộ Đài Loan độc lập. Còn trong mắt giới quan sát phương Tây, nó cũng nhằm phô diễn sự phối hợp chặt chẽ giữa Hải quân Trung Quốc và Bộ chỉ huy chiến khu đông mới thành lập năm 2016.
Ngoài ra, quan hệ quân sự Mỹ - Trung cũng gập ghềnh. Ngay khi cuộc tập trận bắt đầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ rõ thái độ sẽ "không để mất một tấc đất nào" trên Biển Đông, bất chấp việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đang có mặt tại Bắc Kinh nhắc nhở cam kết của ông Tập năm 2015 sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Mattis cũng là cơ sở để giới quan sát lo ngại tình hình trên Biển Đông có thể trở nên tồi tệ hơn khi nó lộ rõ khoảng hở trong chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh.
Trung Quốc quân sự hóa lực lượng tuần duyên
Kể từ 1-7, lực lượng tuần duyên Trung Quốc sẽ đặt dưới sự chỉ huy của Quân ủy trung ương. Tờ Hoàn cầu Thời báo giải thích là nhằm cho phép lực lượng này tham gia nhiều hơn vào các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng, bao gồm chiến tranh.
Lực lượng này sẽ không đe dọa các nước khác "nếu họ không khiêu khích chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc", theo tờ báo trên.
Bắc Kinh có 164 tàu tuần duyên với hơn 16.300 nhân lực. Như vậy, các tàu tuần duyên của Trung Quốc sắp tới sẽ được trang bị pháo mạnh hơn và thủy thủ đoàn cũng được trang bị súng.
Một số tờ báo châu Á đưa tin lực lượng tuần duyên Trung Quốc từ tháng trước đã bắt đầu tham gia canh gác gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, động thái này là thông điệp rõ ràng nhắm tới Mỹ và các nước liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. "Các nước khác sẽ cảm thấy cần tái cấu trúc lực lượng tuần duyên để phản ứng với diễn biến này" - giám đốc Jonathan Spangler của một tổ chức nghiên cứu Biển Đông tại Đài Loan cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận