Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein - Ảnh: REUTERS
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nhấn mạnh các công ty sẽ tránh được việc bị truy tố nếu tiết lộ đầy đủ các khoản hối lộ quan chức ở nước ngoài, hợp tác điều tra và có các biện pháp ngăn chặn tái diễn.
Chính phủ Mỹ mong muốn thông qua quá trình này có thể tăng cường sự trao đổi giữa họ và các công ty, theo hãng tin Reuters.
"Chúng tôi muốn các nhân viên và hội đồng quản trị của từng công ty hiểu rõ được cái giá và lợi ích của việc hợp tác", ông Rod Rosenstein nói trong cuộc họp báo ngày 29-11.
Việc "mở rộng hơn sự khoan hồng" là sự tiếp nối của một chương trình thí điểm được áp dụng từ thời tổng thống Barack Obama. Chương trình này nhằm khuyến khích việc phát hiện các khoản hối lộ ở nước ngoài của mỗi công ty, đổi lấy các hình phạt nhẹ hơn ở Mỹ.
Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) của Mỹ buộc tội các công ty, cá nhân Mỹ hối lộ những quan chức nước ngoài để giành được các hợp đồng kinh doanh.
Trong khi chương trình thí điểm trước cho phép quyền miễn truy tố, quy định mới sẽ đưa ra giả định rằng tội trạng sẽ được giảm nếu chịu hợp tác đầy đủ.
Thứ trưởng Rosenstein lập luận rằng trong khi hành vi phạm tội là do cá nhân thực hiện, các công ty không nên bị buộc tội hay truy tố theo cùng một tiêu chuẩn. Trong trường hợp không thể bỏ bớt tội trạng vì mức độ nghiêm trọng, nhưng trong quá trình điều tra công ty cho thấy sự hợp tác, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ giảm 50% án phạt cuối cùng, theo Reuters.
Tuy nhiên, để được giảm tội trạng, các công ty sẽ phải đáp ứng một loạt các yêu cầu nghiêm ngặt từ Bộ Tư pháp, bao gồm cả việc cung cấp thêm nhiều thông tin về các nghi phạm.
Ra đời năm 1977, Đạo luật FCPA trở thành một mối đe dọa đối với những những doanh nghiệp Mỹ có thói quen đi đêm với quan chức nước ngoài để kiếm hợp đồng.
Hành vi hối lộ được định nghĩa trong FCPA không chỉ bao gồm việc đưa và nhận tiền mà còn cả việc chào mời, gợi ý hay hứa hẹn đưa tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận