Plutonium được sử dụng trong các đầu đạn hạt nhân trong các loại tên lửa khác nhau, bao gồm Topol của Nga - Ảnh: AFP |
"Sự kiên nhẫn với Nga đã không còn" - phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố.
AFP dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng John Kerry vẫn đang tập trung tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Syria thông qua các kênh đa phương.
"Đây không phải là một quyết định dễ dàng" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby thông tin về quyết định chấm dứt việc thiết lập một đơn vị quân sự Nga - Mỹ để chống IS tại Syria.
Tuy nhiên ông Kirby cho biết quân đội Mỹ và Nga sẽ duy trì một kênh thông tin để đảm bảo các lực lượng quân sự của họ không đụng độ nhau trong việc chống khủng bố tại Syria.
Trong khi đó các nhân viên Mỹ đến Geneva để thành lập "Trung tâm Phối hợp chung" với các quan chức Nga đã trở về nhà.
Không có thông tin gì về "kế hoạch B" của Mỹ tại Syria sau khi ngừng mọi cuộc đàm phán với Nga dù có tin đồn rằng Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, .
Cuối ngày 3-10 Hội đồng Bảo an LHQ đã có cuộc họp xem xét dự thảo một nghị quyết do Pháp đề xuất về việc áp đặt một lệnh ngừng bắn tại Syria nhưng thất bại vì không thể buộc máy bay chiến đấu của ông Assad ngững hoạt động trong khi Nga phủ quyết dự thảo này.
"Chúng tôi lấy làm tiếc vì quyết định này của Washington" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.
Tháng trước Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã ký kết một lệnh ngừng bắn tại Geneva nhưng thỏa thuận này đổ vỡ chỉ trong vòng một tuần.
Cùng ngày, theo BBC, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn việc đình chỉ thỏa thuận xử lý plutonium cấp độ vũ khí sau chiến tranh lạnh giữa Nga - Mỹ và là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình xấu đi trong mối quan hệ song phương giữa 2 cường quốc này.
Ông Putin cáo buộc Washington tạo ra "mối đe dọa cho sự ổn định chiến lược sau khi có những hành động không thân thiện" đối với Nga.
Tổng thống Nga cáo buộc phương pháp tái chế plutonium của Mỹ cho phép plutonium được chiết xuất và tái sử dụng trong các loại vũ khí hạt nhân. Phía Mỹ cũng bác bỏ cáo buộc này, nhấn mạnh rằng phương pháp xử lý của Washington không vi phạm thỏa thuận.
Ngoài ra Moscow cũng đề ra những điều kiện tiên quyết dành cho Mỹ nếu Washington muốn nối lại thỏa thuận này.
Theo thỏa thuận xử lý plutonium năm 2000, mỗi bên Nga và Mỹ phải xử lý 34 tấn plutonium bằng cách đốt chúng trong các lò phản ứng. Đây được xem là một phần trong việc cắt giảm lực lượng hạt nhân của 2 nước.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết 68 tấn plutonium của cả 2 nước có thể đủ để chế tạo khoảng 17.000 vũ khí hạt nhân. Moscow và Washington đã tái cam kết về thỏa thuận này hồi năm 2010.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận