Tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp cơ quan hải quan tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế bền vững - Ảnh: H.T
Ngày 15-9, tại buổi đánh giá kết quả sơ bộ khảo sát đề án giảm ùn tắc cảng Cát Lái giữa Cục Hải quan TP.HCM và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Đinh Ngọc Thắng - cục trưởng Cục Hải quan TP - cho biết sau một năm triển khai, đề án đã hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước khoảng 5.000 tỉ đồng/năm.
Ngoài ra, đề án cũng nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận.
Theo ông Thắng, kết quả khảo sát là góc nhìn khách quan từ các chuyên gia trong và ngoài nước của dự án đối với tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái. Với tinh thần cầu thị, Cục Hải quan TP sẽ củng cố thêm các luận chứng mang tính khoa học để phục vụ công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại một cách triệt để, mạnh mẽ hơn.
Hiện Cát Lái là cảng biển xếp hạng thứ 34 thế giới về quy mô khai thác với công suất đạt hơn 5 triệu TEUs vào năm 2019, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác tại miền Nam và 77% tổng sản lượng khai thác tại TP.HCM, phục vụ trung bình 13.000 - 14.000 container/ngày.
Với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm, cảng còn gặp tình trạng các chính sách kiểm tra chuyên ngành, thủ tục liên quan đến giao nhận hàng hóa nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông, kho, bãi, cảng chưa đáp ứng được công suất lưu thông hàng hóa.
Ông Michael Greene - giám đốc USAID Việt Nam - hi vọng đề án này sẽ được triển khai nhân rộng, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ với Cục Hải quan TP.HCM thực hiện đề án, qua đó góp phần nâng cao tăng trưởng thương mại của Việt Nam.
"Đề án tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái" đặt ra mục tiêu lớn là giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái và giao thông xung quanh cảng.
Trong đó hướng đến cắt giảm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế bền vững.
Đồng thời, nâng cao thứ bậc về chỉ số hiệu quả logistics, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận