Chất béo chuyển hóa thường có trong khoai tây chiên, mì gói... Trong ảnh: người dân ăn mì gói tại một con hẻm ở Q.Bình Thạnh tối 17-6 - Ảnh: Thanh Tùng |
Đây là nguồn gốc chính tạo ra trans fat (chất béo chuyển hóa) trong các thực phẩm ăn liền.
Theo CNN, FDA gia hạn ba năm cho các nhà sản xuất thực phẩm loại bỏ PHOs khỏi dây chuyền. Từ đầu năm 2018 trở đi, các hãng chỉ được dùng PHOs trong một số trường hợp cụ thể có văn bản cho phép của FDA.
Đẹp nhưng nguy hiểm...
Ngoài một số trans fat được hình thành tự nhiên, hầu hết trans fat nhân tạo được hình thành trong quá trình nhà sản xuất thêm hydro vào dầu thực vật (quá trình hydro hóa), giúp dầu ăn ở dạng đặc ngay trong điều kiện nhiệt độ phòng. Chất béo chuyển hóa giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn. Loại chất béo này rất phổ biến trong các thực phẩm ăn sẵn như bắp rang bơ, bánh pizza, khoai tây chiên, gà chiên, thịt chiên (rán), mì gói...
Tuy chưa phải lệnh cấm nhưng đây là lần đầu tiên FDA ban hành quy định hạn chế sử dụng PHOs trên quy mô toàn quốc dù đề xuất này đã được đưa ra từ năm 2013 bởi trans fat có liên quan đến các bệnh tim mạch, béo phì, giảm trí nhớ, đột quỵ và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Chúng cũng là nguyên nhân làm tăng lượng cholesterol xấu và giảm lượng cholesterol tốt trong cơ thể, gây xơ vữa động mạch.
Thực tế từ năm 2002, Viện Y học Mỹ cho biết không có mức độ nào được cho là “an toàn” với loại chất này. Năm 2010, trong các hướng dẫn về ăn uống của liên bang Mỹ cũng khuyến cáo người dân nên ăn càng ít đồ ăn chứa trans fat càng tốt. Từ năm 2006, các công ty thực phẩm buộc phải ghi rõ lượng trans fat ở danh mục thành phần các chất trên bao bì sản phẩm.
Việt Nam sẽ sớm xem xét
Trao đổi về lộ trình cấm sản phẩm có chứa chất béo dạng trans ở Mỹ, bà Trần Việt Nga, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết trước đây các nước khuyến cáo hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa chất béo dạng trans, nhưng hiện Mỹ đã đặt ra lộ trình ba năm để loại bỏ chất béo dạng trans ra khỏi các sản phẩm thực phẩm do ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch. Lộ trình này nhằm để các doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm có chứa trans chuẩn bị các nguyên liệu thay thế và tiến tới loại bỏ trans ra khỏi sản phẩm của mình.
Tại VN, bà Nga cho hay Cục An toàn thực phẩm đã cập nhật thông tin từ Mỹ và các cơ quan quản lý thực phẩm các nước, sớm xem xét cách thức xử lý đối với sản phẩm có chứa trans. Gần đây có nhiều sản phẩm mì gói, dầu ăn tại VN bị phát hiện có chứa trans, có nguy cơ làm tăng cholesterol xấu ở người dùng, tăng bệnh đái tháo đường, ung thư ruột già, tuy nhiên rất hãn hữu có nhà sản xuất ở Việt Nam ghi tỉ lệ trans trên nhãn sản phẩm để người dùng biết và lựa chọn.
Trong khi đó, thông tin từ nhiều nhà sản xuất mì hiện khá dè dặt. Ông Lê Văn Hùng, trưởng phòng marketing Công ty Vina Acecook, xác nhận đơn vị này không sử dụng chất trans fat trong các loại mì gói. “Tuy nhiên, để có câu trả lời chính thức phải đợi thêm câu trả lời từ phía lãnh đạo theo quy trình trả lời báo chí mới” - ông Hùng nói. Một số đơn vị khác cũng cho biết do chưa có nhiều thông tin nên chưa có ý kiến cụ thể.
Nhóm chất béo có hại Ngoài nhóm các chất béo có lợi, cần thiết cho cơ thể, trong thực phẩm còn có nhóm chất béo có hại, nếu ăn quá lượng cho phép sẽ gây hại cho cơ thể. Chất béo có hại gây nguy cơ bệnh tim mạch thông qua việc làm gia tăng cholesterol toàn phần và cholesterol có hại LDL. Nhóm chất béo có hại có ba loại: - Các axit béo bão hòa có nguồn thức ăn động vật như các loại thịt động vật, thịt gia cầm, hải sản, trứng, các sản phẩm sữa, mỡ heo và bơ. - Các trans fat, đây là các sản phẩm phụ có trong quá trình hydro hóa các loại dầu thực vật. Trans fat cũng hiện diện nhiều trong các sản phẩm chiên nướng sẵn như các loại bánh kem, bánh phồng tôm, bánh snack, bánh rán, bánh chiên, đặc biệt là trong các loại bơ thực vật. - Cholesterol, có nhiều trong thực phẩm động vật như thịt gia cầm, hải sản, trứng, các phó sản từ sữa, mỡ heo, bơ... Định mức cho phép của loại chất béo có hại: chất béo bão hòa dưới 10% tổng calo, trans fat dưới 1% tổng calo và cholesterol dưới 300mg. Do vậy, cần dùng các loại dầu ăn có lợi (như dầu ôliu, dầu phộng, dầu mè, dầu đậu nành); hạn chế tối đa dùng các thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt các thực phẩm có sử dụng các loại bơ thực vật. Cần đọc thành phần dinh dưỡng trên các thực phẩm đóng gói sẵn này. Hạn chế tối đa chất béo nguồn động vật, ví dụ: nên chọn sữa tách bơ thay cho sữa toàn phần, chọn thịt bò thay vì thịt heo, chọn thịt gà thay cho thịt vịt... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận