Mỹ đã giảm nhẹ cảnh báo đi lại tới Trung Quốc dù thường xuyên chỉ trích vai trò của Bắc Kinh trong đại dịch - Ảnh: REUTERS
Ngày 14-9, Mỹ đã giảm nhẹ cảnh báo đi lại của nước này tới Trung Quốc và thừa nhận rằng Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống COVID-19 mặc dù Washington thường xuyên chỉ trích vai trò của Bắc Kinh trong đại dịch, theo Hãng tin AFP.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã giảm nhẹ cảnh báo đi lại đối với bất kỳ người Mỹ nào muốn đến Trung Quốc từ mức "Đừng đi lại" (cấp 4 và là cấp cao nhất) xuống còn "Tái xem xét đi lại" (cấp 3), viện dẫn "các điều kiện đã cải thiện".
"Trung Quốc đã bắt đầu trở lại hầu hết hoạt động kinh doanh, gồm nhà trẻ và trường học. Các điều kiện đã cải thiện khác cũng được ghi nhận bên trong Trung Quốc" - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, trong một đánh giá khác, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cảnh báo công dân Mỹ về nguy cơ bị bắt giữ tùy ý ở Trung Quốc, gồm tại đặc khu hành chính Hong Kong khi chính quyền địa phương thực thi luật an ninh quốc gia mới.
Hồi tháng 8, Trung Quốc và Mỹ nói rằng mỗi nước sẽ cho phép các hãng hàng không tăng gấp đôi số chuyến bay đi lại giữa hai nước lên 8 chuyến mỗi tuần.
Vào ngày 6-8, Bộ Ngoại giao Mỹ và Trung tâm Kiểm soát & phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của nước này cũng đã dỡ bỏ khuyến nghị của họ về việc công dân Mỹ nên trên tránh tất cả các chuyến đi lại trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.
Trong tháng qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã điều chỉnh hàng chục cảnh báo đi lại đối với các quốc gia cụ thể, gồm giảm mức cảnh báo đi lại tới Mông Cổ, El Salvador, Pakistan, Mexico, Kuwait, Ethiopia và Saudi Arabia xuống cấp 3.
Một cánh đồng bông ở Tân Cương - Ảnh: Tân Hoa xã
Hạn chế nhập khẩu hàng từ Tân Cương
Cũng trong ngày 14-9, chính phủ Mỹ đã công bố áp dụng các biện pháp hạn chế mới lên việc nhập khẩu các sản phẩm, đặc biệt là cotton và quần áo từ khu tự trị Tân Cương ở Trung Quốc. Washington viện dẫn những lo ngại về tình trạng mà theo họ là sử dụng "lao động cưỡng bức" tại Tân Cương.
Thông báo trên được Cơ quan Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) đưa ra và phát dưới dạng 5 lệnh hủy bỏ (WRO). Trong đó, có một lệnh WRO áp dụng với tất cả mặt hàng cotton "được sản xuất và gia công" bởi Công ty Xinjiang Junggar Cotton & Linen.
Mark Morgan, đại diện Cơ quan Hải quan và biên phòng Mỹ, cho biết: "Đây không phải là các lệnh hủy bỏ (WRO) đầu tiên mà Mỹ đưa ra với các hàng hóa Trung Quốc và tôi có thể nói với các bạn rằng tôi hoàn toàn tự tin đây không phải là lệnh cuối cùng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận