Theo báo The New York Times, Mỹ đang nỗ lực kêu gọi Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga và Triều Tiên để ngăn chặn leo thang khủng hoảng.
Cuộc gặp hiếm hoi trên đất Mỹ
Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, đã thúc giục các cơ quan của Mỹ chuyển những lo ngại đến Trung Quốc và nhấn mạnh các hậu quả tiềm tàng nếu Triều Tiên hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Một nguồn tin giấu tên tiết lộ ông Kurt Campbell - thứ trưởng ngoại giao, ông Daniel J. Kritenbrink - trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương cùng ông James O'Brien - trợ lý ngoại trưởng đặc trách châu Âu và Á - Âu, đã cùng đến gặp Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong tại nhà ông này ở Washington ngày 29-10.
Trong cuộc gặp hiếm hoi này, phía Mỹ đã nhấn mạnh những lo ngại của Washington, đồng thời thúc giục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để cố gắng hạn chế sự hợp tác của Triều Tiên với Nga nhằm chống lại Ukraine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói chuyện với người đồng cấp Ukraine, theo nguồn tin nói trên.
Trong cuộc họp báo ngày 31-10, ông Blinken ngầm xác nhận các nỗ lực ngoại giao hậu trường với Trung Quốc. Ông cũng cho biết Bắc Kinh đã hiểu Washington đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng mà mình có để hạn chế các động thái của Triều Tiên.
"Đây là một tín hiệu yêu cầu không chỉ đến từ chúng tôi mà còn từ các quốc gia trên thế giới", ông Blinken nói tại một cuộc họp báo ở Washington với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và những người đồng cấp Hàn Quốc.
Mỹ tin rằng khoảng 8.000 lính Triều Tiên đang ở Nga gần biên giới Ukraine và đang chuẩn bị giúp Điện Kremlin chiến đấu chống lại quân đội Ukraine trong những ngày tới. Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo những binh sĩ này sẽ là "mục tiêu quân sự hợp pháp" khi họ tham chiến.
Quan hệ Nga - Triều Tiên khiến Trung Quốc lo lắng?
Theo Hãng thông tấn AP, Chính phủ Mỹ đã đánh giá rằng Trung Quốc không thoải mái về mối quan hệ đối tác an ninh đang tăng cường nhanh chóng giữa Nga và Triều Tiên.
Trung Quốc là đồng minh lâu năm của Triều Tiên và là đối tác kinh tế, quân sự mạnh nhất của nước này. Song sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên có nghĩa là Bắc Kinh phải ngày càng chia sẻ với Matxcơva sức ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng.
Đồng thời sự can thiệp của Triều Tiên vào Ukraine sẽ khiến châu Âu lún sâu hơn vào các vấn đề an ninh Đông Á như bán đảo Triều Tiên, vùng lãnh thổ Đài Loan - điều mà Trung Quốc không muốn.
Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận công khai về vấn đề trên. Không có thông tin về việc Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong đã phản ứng như thế nào trong cuộc gặp với ba nhà ngoại giao Mỹ hôm 29-10.
Thay vào đó phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là "nhất quán và rõ ràng".
Trung Quốc nỗ lực "đàm phán hòa bình và giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine". "Lập trường này vẫn không thay đổi. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng cho mục đích này", người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ.
Trung Quốc và Nga đã xích lại gần nhau hơn trong nhiều năm. Vào tháng 2-2022, Bắc Kinh đã tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" với Matxcơva ngay trước khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Các quan chức Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga bằng cách mua dầu, đồng thời giúp Matxcơva củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên quan điểm của Trung Quốc về sự hỗ trợ của Triều Tiên cho Nga còn khá mơ hồ. Các cơ quan tình báo Mỹ vẫn đang cố gắng tìm hiểu xem nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc nghĩ gì.
Tính toán của Trung Quốc
Bắc Kinh có thể không chấp thuận quan hệ đối tác quân sự chặt chẽ hơn giữa Nga và Triều Tiên vì họ coi đây là hành động gây bất ổn trong khu vực.
Ông Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nhận xét quan hệ đối tác Nga - Triều Tiên đang tạo ra những diễn biến trái ngược với mục tiêu của Bắc Kinh về một bán đảo Triều Tiên hòa bình.
Trung Quốc, theo ông Shi, "nhận thức được sự phức tạp và nguy hiểm của tình hình". "Thực tế là Trung Quốc vẫn chưa nói gì về thỏa thuận liên minh quân sự giữa Triều Tiên và Nga. Điều đó cho thấy Trung Quốc cực kỳ không đồng ý với thỏa thuận như vậy", ông này nói với báo The New York Times.
Còn ông Lu Chao, giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Đông Á tại Đại học Liêu Ninh ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), kêu gọi Mỹ không nên mong đợi Trung Quốc gây ảnh hưởng đến Triều Tiên bởi đây là chuyện giữa Matxcơva với Bình Nhưỡng.
Giới phân tích tin rằng Bắc Kinh đang tìm cách để làm thế nào vừa không khiến phương Tây tức giận, vừa không làm tổn hại đến quan hệ với cả Nga và Triều Tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận