Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Đề xuất của ông Trump muốn đối thoại với Tổng thống Iran Rouhani vô điều kiện chỉ là nói vậy thôi. Làm sao người Iran có thể ngồi xuống nói chuyện với người đã phá vỡ thỏa thuận ngoại giao mà họ không tin tưởng?
Chính trị gia Bỉ Aldo Carcaci vẫn tỏ ra hoài nghi
Căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Iran leo thang trong tuần này, sau khi Washington công bố tái trừng phạt kinh tế lên quốc gia Trung Đông.
Vì đâu nên nỗi?
Tổng thống Trump là người công khai chỉ trích Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015, thời tổng thống Barack Obama. Ông Trump cho rằng Iran đã không tuân thủ JCPOA, ngược lại còn tiếp tục gây bất ổn ở Trung Đông.
Trong dòng trạng thái trên Twitter ngày 7-8, người đứng đầu Nhà Trắng nhắc lại điều này: "... Những ai làm ăn với Iran sẽ KHÔNG làm ăn với Mỹ. Tôi đang tìm kiếm HÒA BÌNH THẾ GIỚI, không gì khác!".
Không có Mỹ, JCPOA có nguy cơ sụp đổ. Điều này đồng nghĩa các cường quốc khác tham gia JCPOA như Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc cũng khó khai thác thị trường đầy tiềm năng Iran.
Những ngày qua, các đồng minh châu Âu của Mỹ từ chỗ muốn thuyết phục Mỹ cam kết JCPOA đã chuyển sang phản đối quyết định trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Khi đi tìm lý do cho việc Mỹ chấp nhận hục hặc với đồng minh để đối phó Iran, giới quan sát phần lớn cho rằng động cơ nằm ở chính sách của Mỹ tại Trung Đông.
Ưu tiên của chính quyền ông Trump là thắt chặt quan hệ với khối Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu. Trong khi đó, liên minh Saudi Arabia xem Iran là kẻ thù, kẻ gây bất ổn ở Trung Đông.
Một số ý kiến khác, như của CNN, thậm chí cho rằng kế hoạch thành lập một liên minh quân sự dạng "NATO kiểu Ả Rập" của Mỹ tại Trung Đông xuất phát từ mong muốn bán nhiều vũ khí của Mỹ hơn cho đồng minh.
Chiến thuật cũ
Chuyện Mỹ o bế Saudi Arabia - địa điểm công du đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức tổng thống năm 2017 - có thể dẫn tới nguy cơ Mỹ sa lầy trong xung đột giữa người Hồi giáo dòng Sunni và người dòng Shia (chiếm đa số ở Iran).
Thêm vào đó, cách hành xử của chính quyền ông Trump trong những vấn đề khác cũng phần nào phác họa bức tranh lớn phía sau những gì đang xảy ra giữa Mỹ và Iran.
Liệu Mỹ đang muốn gì từ việc liên tục cáo buộc Iran vi phạm JCPOA và trừng phạt Tehran? Có thể đó không phải là ý đồ "thay đổi chế độ", nhưng ít nhất cũng là "thay đổi hành vi".
Báo Telegraph phân tích Mỹ có một chiến thuật trong cách tiếp cận với hàng loạt vấn đề từ Triều Tiên, Liên minh châu Âu, NATO cho tới Trung Quốc.
Đó là khởi động bằng phong cách áp đảo, như "lửa và cuồng nộ" vậy, sau đó tới đe dọa nhằm đẩy đối phương vào thế phải chủ động đề nghị giải quyết. Kết thúc sẽ là một cuộc gặp và đàm phán song phương.
Nếu câu chuyện Iran cũng diễn tiến như vậy, có thể nói viễn cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani và tháo gỡ khúc mắc rất đáng chờ đợi, có thể là cách thức duy nhất.
Thực tế dù khẩu chiến kịch liệt trên Twitter, hai nhà lãnh đạo này vẫn chừa cửa cho một cuộc gặp song phương. Theo báo Jerusalem Post ngày 8-8, sự kiện gặp gỡ Trump - Rouhani có thể sẽ diễn ra bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng tới.
Năm 2015, JCPOA được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng thêm Đức).
Đây được xem là thỏa thuận lịch sử, mở đường cho Iran thoát khỏi cấm vận, đổi lại Tehran phải thực hiện minh bạch và giảm lượng urani làm giàu, nói cách khác là thu hẹp chương trình hạt nhân theo kỳ hạn quy định.
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump dù thừa nhận Iran tuân thủ thỏa thuận vẫn khẳng định đây là một thỏa thuận có quá nhiều lỗ hổng. Tháng 5 năm nay, ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận