Mỹ không nên rút đi, cho đến khi Afghanistan có được hòa bình.
Bà Adila Kabiri - giáo sư tại Đại học Herat (Afghanistan) - mô tả việc Mỹ rời đi đang làm suy yếu tinh thần người Afghanistan.
"Cam kết của chúng tôi về việc không tấn công các lực lượng nước ngoài chỉ kéo dài tới hết ngày 1-5. Chuyện chúng tôi có tấn công sau ngày đó hay không vẫn đang được bàn tính" - người phát ngôn của Taliban, Zabihullah Mujahid, tuần trước đe dọa. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ Mỹ vẫn đang điều đình với Taliban về việc lực lượng này tiếp tục thực hiện cam kết không tấn công lính Mỹ nhưng vẫn chưa đạt được thống nhất.
Vì sao chọn 11-9?
Bầu trời thủ đô Kabul của Afghanistan và căn cứ không quân Bagram gần đó ồn ào hơn bình thường trong ngày 1-5 do các hoạt động chuyển khí tài tấp nập của Mỹ. Hôm 29-4, khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bắt đầu tiến trình rút hơn 7.000 quân. Một quan chức an ninh phương Tây tiết lộ sau ngày 1-5, khoảng 2.000 lính Mỹ vẫn sẽ ở lại Afghanistan. Số binh sĩ này sẽ được rút dần trong vòng 4 tháng và hoàn tất vào ngày 11-9.
Tư lệnh các lực lượng nước ngoài ở Afghanistan, tướng Scott Miller của Mỹ, khẳng định việc bàn giao các căn cứ quân sự và thiết bị cho lực lượng vũ trang Afghanistan vẫn diễn ra theo đúng thỏa thuận năm 2020. Ông tin rằng những gì được chuyển giao sẽ giúp quân đội Afghanistan tự tin và đủ năng lực bảo vệ dân thường.
Có 2 nguyên nhân khiến Tổng thống Biden kéo dài thời gian rút quân thêm 4 tháng. Thứ nhất, việc ông chọn ngày 11-9 rõ ràng là một cột mốc mang tính biểu tượng, đánh dấu tròn 20 năm vụ khủng bố ngày 11-9-2001 đã dẫn tới sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Afghanistan. Thứ hai, theo lý giải của chính quyền ông Biden, dựa trên các đánh giá hiện tại, việc rút quân theo mốc 1-5 không còn phù hợp và có thể để lại nhiều hệ lụy. Theo Hãng thông tấn AP, ông Biden khẳng định việc tiếp tục hiện diện 4 tháng ở Afghanistan là để hỗ trợ cho các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban cùng các sứ mệnh nhân đạo khác.
Theo thỏa thuận năm 2020, việc Mỹ rút quân nhằm tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm giữa Taliban và chính phủ hiện thời của Afghanistan. Tuy nhiên, những cuộc đối thoại này đã rơi vào bế tắc kể từ khi bắt đầu vào tháng 9-2020. Những vụ tấn công của Taliban nhắm vào lực lượng chính phủ liên tục xảy ra trong thời gian diễn ra hòa đàm. Vụ tấn công đẫm máu bằng xe bom ở tỉnh Logar trong ngày 1-5 khiến hơn 110 người chết và bị thương là lời nhắc nhở về những bất ổn tiềm tàng sau khi Mỹ rút đi.
Afghanistan gặp khó
Theo thỏa thuận tháng 2-2020 giữa chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và Taliban, các lực lượng nước ngoài, bao gồm quân Mỹ và đồng minh, sẽ rút khỏi Afghanistan trước ngày 1-5 năm nay. Đổi lại, Taliban sẽ ngừng tấn công quân đội và căn cứ nước ngoài trong thời gian này. Một tài liệu được Hãng tin Reuters công bố độc quyền ngày 30-4 cho thấy trong thỏa thuận năm 2020, Taliban thậm chí còn thiết lập một vành đai bảo vệ các căn cứ của Mỹ và đồng minh ở phía tây Afghanistan khỏi các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Quyết định đơn phương kéo dài thời hạn rút quân của chính quyền ông Biden dẫn tới việc Taliban trút giận lên Chính phủ Afghanistan. Chỉ trong hai tuần qua, từ sau tuyên bố gia hạn của ông Biden, hơn 100 nhân viên an ninh Afghanistan đã chết trong các vụ tấn công của Taliban. Theo nguồn tin của Reuters trong Taliban, nếu Mỹ muốn đảm bảo an toàn cho số binh sĩ còn lại sau ngày 1-5, Mỹ không được tham gia hỗ trợ quân Chính phủ Afghanistan trong các chiến dịch chống lại lực lượng này từ đây đến hết ngày 11-9.
Việc ông Biden kéo dài thời gian rút quân đang đặt binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan trước nguy cơ bị tấn công từ nhiều phía, bao gồm cả Taliban và các nhóm khác "không ưa" Mỹ ở Afghanistan. Washington dường như đang mạo hiểm khi tin rằng nước xa có thể cứu được lửa gần. Một nguồn tin của báo New York Times ở Lầu Năm Góc tiết lộ các binh sĩ và khí tài Mỹ ở Afghanistan sẽ được tái bố trí tại một số nước gần khu vực. Các máy bay tấn công không người lái sẽ đồn trú ở những căn cứ gần Afghanistan, cho phép chúng tiến hành các vụ không kích nhanh chóng ở Afghanistan khi cần thiết.
Trong một tuyên bố ngày 1-5, tướng Miller cảnh báo Mỹ có các phương tiện quân sự để đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hình thức tấn công nào chống lại liên minh. "Chúng tôi cũng có các phương tiện quân sự để hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan làm điều đó" - ông Miller nói.
Việc Washington rút quân đang tạo ra bầu tâm lý trái chiều ở Afghanistan: nhiều người hoan nghênh, nhưng nhiều ý kiến cũng lo sợ viễn cảnh Taliban sẽ trở lại. Lực lượng này từng kiểm soát Afghanistan và thực thi luật Hồi giáo Sharia hà khắc chưa từng có từ năm 1995 cho đến khi bị Mỹ lật đổ năm 2001.
2.218
Đó là số binh sĩ Mỹ đã chết tại Afghanistan kể từ khi cựu tổng thống George W.Bush tuyên bố bắt đầu "Chiến dịch Tự do bền vững" vào ngày 7-10-2001 (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận