17/02/2020 07:57 GMT+7

Mỹ - EU 'va đập' ở Munich

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tại Hội nghị an ninh Munich kéo dài ba ngày, kết thúc ngày 16-2, Mỹ và châu Âu bộc lộ quan điểm khác biệt về vai trò suy yếu của phương Tây và xu hướng 'cố thủ dân tộc' của Mỹ.

Mỹ - EU va đập ở Munich - Ảnh 1.

Đoàn biểu tình chống chiến tranh, đòi hỏi hòa bình ở Munich ngày 15-2 - Ảnh: REUTERS

Chúng ta không nên cạnh tranh với nhau và bộc lộ khác biệt mà làm hạ thấp sức mạnh của mình.

JENS STOLTENBERG (tổng thư ký NATO)

Hội nghị an ninh Munich ở Đức mang dáng dấp một cuộc tính sổ giữa châu Âu và Mỹ dù có chủ đề là "Sự suy yếu của phương Tây", mà người ta dễ nghĩ các bên ngồi làm việc cùng nhau nhằm vực dậy sức mạnh. Cơ hội làm việc với hơn 500 đại biểu, trong đó có hơn 35 nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ và khoảng 100 bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, dường như đã bị vuột qua.

Đức chỉ trích

Diễn văn khai mạc của Tổng thống nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier như phát pháo hiệu về nhận định vai trò suy yếu của phương Tây hiện nay. Ông lên án mạnh mẽ thái độ "ích kỷ" của Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Ông tố Mỹ chỉ biết bảo vệ lợi ích quốc gia của riêng mình, bất chấp lợi ích của cộng đồng quốc tế. 

Ông lấy làm tiếc vì Mỹ - đồng minh chủ yếu của châu Âu - đã từ chối ý tưởng về một cộng đồng quốc tế, đồng thời chỉ trích khẩu hiệu mà Tổng thống Trump thường hô hào: "(Ông Trump muốn) "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" thậm chí bằng chi phí của các quốc gia láng giềng và các đối tác".

Tổng thống Steinmeier chỉ trích Mỹ, Nga và Trung Quốc đã làm cho thế giới trở nên nguy hiểm hơn, cũng như nhắc đến nhận xét gây tranh cãi trước đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng "NATO đang chết não". Ông tỏ ý hối tiếc: "Năm này sang năm khác, chúng ta rời xa mục tiêu hợp tác quốc tế nhằm thiết lập một thế giới hòa bình. Ý niệm các cường quốc cạnh tranh với nhau... đã trở thành thực tế trên toàn cầu".

Ngoài Trung Quốc, Tổng thống Trump còn tạo không khí căng thẳng với châu Âu. Ông thường xuyên chỉ trích chính sách kinh tế và an ninh của các nước EU và chỉ trích Đức là nền kinh tế hàng đầu châu Âu thặng dư ngân sách nhưng lại hành xử như "kẻ ăn bám" quân đội Mỹ.

Về vai trò của Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã "song kiếm hợp bích" với Tổng thống Đức Steinmeier. Ông Macron khẳng định châu Âu đang suy yếu so với các cường quốc châu Á và Nga, đồng thời đang phải đối phó với chủ nghĩa bảo hộ Mỹ. Ông xác nhận: "Có một chính sách Mỹ mang hình thức cố thủ tương đối và chính sách đánh giá lại quan hệ giữa Mỹ với châu Âu".

Trong bối cảnh như thế, Tổng thống Macron đã kêu gọi châu Âu phải "hồi sinh như một cường quốc chính trị, chiến lược" và châu Âu phải đủ khả năng tự thân đối phó với các mối đe dọa ở biên giới, đồng thời đôi khi phải hành động độc lập với Washington.

Mỹ biện minh

Phát biểu trên diễn đàn, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trấn an châu Âu về khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", về "thái độ lửng lơ" của Mỹ đối với NATO và về mức thuế áp cho hàng châu Âu, đồng thời bác bỏ luận điểm phương Tây đang khủng hoảng.

Lãnh đạo ngoại giao Mỹ cho rằng chỉ trích của các đồng minh châu Âu là "quá đáng" và hoàn toàn "không phản ánh đúng thực tế". Chẳng hạn NATO "chết não" là hết sức quá đáng bởi các nước châu Âu, Nhật và các đồng minh khác của Mỹ đều có chung quan điểm về Trung Quốc, Iran và Nga mặc dù vẫn còn một số "khác biệt về chiến thuật". 

Ông Pompeo dẫn chứng rằng Mỹ đã góp phần củng cố NATO ở sườn phía đông của Nga và Mỹ đã đi đầu trong nỗ lực quân sự kết liễu tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), rồi hỏi vặn: "Phải chăng đây là những gì Mỹ đã chối bỏ cộng đồng quốc tế?".

Đề cập đến việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, các mối đe dọa an ninh mạng từ Iran và sức ép kinh tế do Trung Quốc gây ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố các nước này vẫn muốn "xây dựng đế chế" và gây bất ổn cho hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. 

Cuối cùng, ông kết luận các lý tưởng và giá trị phương Tây vẫn chiến thắng so với Trung Quốc và Nga. Ông nhấn mạnh: "Phương Tây đang chiến thắng và chúng ta đang cùng chiến thắng".

Dè chừng Trung Quốc

Hãng tin AFP ghi nhận Trung Quốc vẫn là mối quan tâm chung của Mỹ và châu Âu. Washington gây sức ép buộc các nước châu Âu không mở đường cho Tập đoàn Huawei can dự vào các mạng viễn thông 5G trong tương lai. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định Nga, Iran, Trung Quốc đang sử dụng không gian mạng để gia tăng ảnh hưởng và Huawei chính là "con ngựa thành Troie" của tình báo Trung Quốc.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo trên diễn đàn Hội nghị an ninh Munich: "Nếu chúng ta không hiểu mối đe dọa và không phản ứng, điều đó cuối cùng có thể đe dọa NATO...". Tuy nhiên, đến nay hầu hết các nước châu Âu đều tỏ thái độ sẵn sàng cho phép Huawei tham gia với ít nhiều hạn chế.

Mỹ bắt người nhập cư không giấy tờ Mỹ bắt người nhập cư không giấy tờ

TTO - Chính quyền Mỹ đã điều động đơn vị chiến thuật tuần tra biên giới đi truy quét người nhập cư trái phép tại các 'thành phố trú ẩn'.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp