Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: REUTERS
Mỹ ngày 2-7 đã lên tiếng về các lo ngại của quốc gia này đối với cuộc trưng cầu ý dân của Nga xung quanh việc sửa đổi Hiến pháp. Các sửa đổi này có thể giúp ông Putin duy trì cương vị lãnh đạo đến năm 2036.
"Chúng tôi cảm thấy lo ngại trước các báo cáo về nỗ lực của Chính phủ Nga nhằm thao túng kết quả của đợt bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp gần đây, trong đó có các thông tin về việc cưỡng ép người bỏ phiếu, gây áp lực với phía phản đối sửa đổi và hạn chế các bên giám sát độc lập tiếp cận cuộc bỏ phiếu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, tuyên bố.
Cùng hôm, EU đã kêu gọi Nga điều tra về các điểm bất thường liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân.
"Chúng tôi được biết về một số thông tin và cảnh báo xoay quanh các điểm bất thường trong cuộc bỏ phiếu bao gồm cưỡng ép người tham gia, bỏ phiếu 2 lần, vi phạm tính bảo mật của cuộc bỏ phiếu, cũng như các cảnh báo về việc cảnh sát sử dụng vũ lực với một phóng viên tại hiện trường", người phát ngôn của EU, ông Peter Stano, nói.
Đồng thời, EU yêu cầu Nga tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của mình, mặc cho Hiến pháp Nga được sửa đổi như thế nào.
"Chúng tôi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, vì thế chúng tôi không chấp nhận kết quả bỏ phiếu ở Crimea và khu vực phía đông của Ukraine", ông Stano cho biết.
Ủy ban Bầu cử trung ương Nga đã công bố 77,92% người tham gia bỏ phiếu ủng hộ các sửa đổi Hiến pháp.
Tổng thống Putin ngày 2-7 đã gửi lời cảm ơn đến người dân Nga sau khi có kết quả bỏ phiếu. "Cảm ơn vì sự ủng hộ và tin tưởng của mọi người", ông Putin phát biểu trên sóng truyền hình.
Ông Putin đã nắm giữ cương vị lãnh đạo nước Nga trong 2 thập niên qua và sẽ tiếp tục tranh cử sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận