Máy bay ném bom chiến lược B-1B, ngoài vũ khí hạt nhân chở theo nếu cần, có thể triển khai thêm các loại vũ khí khác như tên lửa chống hạm tầm xa LRASM - Ảnh: Không quân Mỹ
Không phải hai mà đến bốn máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ đã hạ cánh xuống căn cứ Andersen trên đảo Guam trong cuối tuần rồi, chỉ vài ngày sau khi Washington tuyên bố lập trường mới về Biển Đông.
Hồi đầu tháng 7, một "pháo đài bay" B-52H đã bay liên tục 28 tiếng đến Biển Đông tập trận cùng với hai tàu sân bay Mỹ trước khi hạ cánh tại Guam. Người Mỹ có ba loại máy bay có thể mang bom hạt nhân thì đến hai loại đang có mặt tại đảo thuộc châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến thuật mới của Mỹ, sử dụng máy bay tầm xa, không hướng tới sự hiện diện lâu dài tại một khu vực cố định (dễ bị tấn công). Điều này xuất phát từ việc Trung Quốc đang tăng tốc phát triển các tên lửa đạn đạo thế hệ mới, đủ sức bắn tới Guam.
Che giấu bố phòng binh lực
Trong các thông báo gần đây về việc điều máy bay tới Guam, không quân Mỹ đều nói rõ thời gian bay là bao lâu và xuất phát từ vị trí nào trên lãnh thổ. Điều này có thể tạo ra chút ít nguy cơ, nhưng theo giới quan sát, bản thân những con số đó đã mang thông điệp trấn an là Mỹ có thể đưa máy bay ném bom hạt nhân tới các khu vực cụ thể trong bao lâu.
Một điểm đáng chú ý khác là Mỹ đã không còn nói các máy bay này sẽ ở lại Guam trong bao lâu.
Trong quân sự, việc xác định chính xác đối phương có loại vũ khí gì và được bố trí ở đâu là điều rất quan trọng, cho phép vô hiệu hóa kẻ thù ngay từ đầu.
Trong suốt hàng chục năm qua, kể cả sau vụ Trân Châu Cảng năm 1941, người Mỹ vẫn luôn tự tin về sức mạnh quân sự ưu việt của mình và gần như không che giấu các hoạt động điều chuyển lực lượng ở những căn cứ hải ngoại.
Tuy nhiên, hồi tháng 4 Mỹ đã chấm dứt chương trình hiện diện máy bay ném bom liên tục trên đảo Guam sau 16 năm. Động thái làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc Washington đang cảm thấy lo lắng trước các mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc.
Một số nhà phân tích khi đó cho rằng Mỹ đã có một quyết định sai lầm khi rút lực lượng răn đe chiến lược khỏi Guam, rằng các đồng minh của Washington sẽ cảm thấy bất an.
Lầu Năm Góc không nghĩ họ đang làm sai và tin rằng việc tiếp tục hiện diện lâu dài ở Guam sẽ chẳng khác nào "lạy ông tôi ở bụi này".
Muốn Trung Quốc bị động
Khi trở thành bộ trưởng quốc phòng, ông Mark Esper đã nêu rất rõ quan điểm của mình về việc phát triển những loại vũ khí chính xác tầm xa. Ông không che giấu những lo ngại việc Trung Quốc đã có khả năng đe dọa những căn cứ của Mỹ trong chuỗi đảo thứ nhất.
Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng thuộc Trung tâm RAND, đồng ý với tư duy mới ở Lầu Năm Góc: "Tính nhất quán và dễ dự đoán sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho quân đội Mỹ. Quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng vạch ra các kế hoạch tấn công và phá hủy vũ khí chiến lược của Mỹ trên Guam bởi họ biết chúng chắc chắn đang ở đó".
Việc rút máy bay khỏi Guam sẽ khiến Trung Quốc không thể đoán được các hoạt động của Mỹ và trở lại thế bị động trong việc đối phó.
Việc thức thời và nhận biết rõ điểm yếu để điều chỉnh là điều cần thiết, dù là Mỹ hay Trung Quốc. Bắc Kinh gần đây đã chuyển các tên lửa đạn đạo mà họ tự hào gọi là "sát thủ diệt Guam" DF-26C vào sâu trong lục địa.
Cũng có ý kiến cho rằng tại sao Mỹ không làm điều tương tự với các căn cứ tại Nhật Bản và Hàn Quốc? Điểm khác biệt lớn nhất là Guam là một lãnh thổ của Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ không muốn có thêm một kẻ thù khi tấn công vào căn cứ Mỹ nằm trên lãnh thổ nước thứ ba.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận